'Ngáo' giá đất, đắt cắt cổ vẫn chồng tiền tươi mua đứt

16/12/2021 06:01:06

Năm 2021, thị trường bất động sản xuất hiện nhiều căn hộ, dự án có giá cao kỷ lục, thậm chí còn được cho là “ngáo giá”.

Đua nhau “ngáo giá”

Mới đây, trên một diễn đàn mua bán bất động sản Hà Nội xuất hiện thông tin rao bán căn hộ tập thể tầng 3 trong ngõ ô tô vào được trên phố Hàng Bông, có diện tích 100m2 trong đó 80m2 sổ đỏ và 20m2 cơi nới với giá 8,5 tỷ đồng (tương đương 85 triệu đồng/m2) thu hút sự quan tâm của nhiều người.

“Hôm trước đã có khách trả giá 7,5 tỷ đồng nhưng chủ nhà chưa bán vì giá rao là 8,5 tỷ đồng. Nhiều người không biết thì nói giá đó cao, nhưng nếu ở phố cổ mà tìm được căn hộ 100m2 không hề dễ, trong khi đó giá đất ở mặt đường phố cổ bây giờ đều ở mức hơn tỷ đồng/m2 thì không nghĩa gì đất trong ngõ không thể ở mức 80-100 triệu đồng/m2”, người đăng tin cho biết.

Sau khi căn hộ được rao bán, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên trước mức giá cả trăm triệu đồng mỗi m2 căn hộ tập thể cũ, lại còn sâu trong ngõ. Thậm chí có người cho là chủ nhà "ngáo giá".

“Giá này mua được cả biệt thự nhỏ bên Long Biên rồi”; “8,5 tỷ đồng là mua được chung cư cao cấp đủ nội thất, sang trọng nhất Hà Nội đâu cần ở nhà tập thể cũ nát làm gì”; “Giá này khó bán vì với tầm tiền này có nhiều lựa chọn tốt hơn”;... một số thành viên bình luận.

'Ngáo' giá đất, đắt cắt cổ vẫn chồng tiền tươi mua đứt
Nhiều dự án rao bán mức giá cao

Theo nhiều chuyên gia, giá nhà đất Hà Nội thường xuyên lọt vào danh sách đắt đỏ, trong đó, giá đất phố cổ thường không có “đối thủ” về độ cao ngất ngưởng. Giữa đại dịch Covid-19, một khách sạn 4 sao cũng trên phố Hàng Bông, xây dựng cuối năm 2016, diện tích 330m2 với 12 tầng được rao bán 650 tỷ đồng, trung bình khoảng 1,97 tỷ đồng/m2.

Các khách sạn ở phố cổ rao bán giá cả tỷ đồng m2 chủ yếu là đắt tiền đất, chứ giá trị xây dựng không nhiều. Không ít khách sạn khách mua lại chủ yếu là mua đất, vì mua xong phải đập xây mới hoặc phải cải tạo lại.

Không chỉ vậy, các phiên đấu giá đất cũng lên cơn “nhảy giá” cao ngất ngưởng. Tại phiên đấu giá của Hà Nội, lô B12 diện tích 44,5 m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê (Mai Dịch, Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2, nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gần gấp đôi. Mức giá này được ghi nhận là cao nhất tại phiên đấu.

Đưa đấu giá đất lên thành mức kỷ lục phải kể tới thương vụ của Tân Hoàng Minh tại Thủ Thiêm (TP.HCM) - mức giá "khủng" không chỉ cho khu vực Thủ Thiêm mà trên cả nước vì từ trước đến nay chưa từng có vụ đấu giá thành công nào có giá đất trên 1 tỷ đồng/m2.

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh - đại diện Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt tham gia đấu giá - trả lô đất 10.060m2 với mức giá 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2.

Đắt "cắt cổ" vẫn có người mua

Với những người ngoài cuộc thì cho rằng, mức giá cao ngất ngưởng sẽ chẳng ai mua, nhưng thực tế lại là câu chuyện khác. Mới đây, thị trường bất động sản Hà Nội xôn xao khi một dự án căn hộ hạng sang có vị trí đắc địa ở Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong buổi mở bán đầu tiên ngày 23/10, toàn bộ căn hộ dành cho thị trường trong nước đã tìm được chủ nhân. Đơn vị phát triển dự án thông báo hủy ngày bán thứ hai vì hết hàng sớm hơn dự kiến.

Dự án hạng sạng này chỉ có 104 căn hộ, giá bán hơn 700 triệu - 1 tỷ đồng/m2 (chưa kể thuế VAT và phí bảo trì), căn “rẻ nhất” có tổng giá trị lên trên 70 tỷ đồng.

'Ngáo' giá đất, đắt cắt cổ vẫn chồng tiền tươi mua đứt - 1
Giá nhà đất ở Việt Nam ngang ngửa nhiều nơi đắt nhất thế giới (Ảnh:D.A)

Tại một dự án khác ở TP.HCM, 1.500 căn nhà thấp tầng bán với giá từ 15-100 tỷ đồng/căn. Chỉ sau 5 tháng mở bán, dự án chỉ còn chưa đến 100 căn, những căn còn lại có giá từ 60-100 tỷ đồng. "Các căn có giá từ 15 tỷ hết sạch, đây là thành công ngoài sức tưởng tượng", đơn vị bán hàng cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng, có ba yếu tố dẫn đến giá nhà tăng nhưng vẫn hấp dẫn được khách hàng. Thị trường phát triển không lành mạnh, nguồn cung khan hiếm và quá thiếu so với cầu tại các thành phố lớn. Vì vậy, chủ đầu tư nào có dự án sẽ có lợi thế lớn trong việc tạo cuộc chơi và quyết định giá trên thị trường.

Hiện tượng tăng giá đột biến xảy ra ở một số khu vực và dự án của một số ít chủ đầu tư. Điều này ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của khu vực lân cận và tạo tiền đề cho một đợt điều chỉnh giá tăng của thị trường.

Bên cạnh đó, hấp lực đầu tư vào bất động sản vẫn còn rất lớn do văn hóa đầu tư của người Việt vốn yêu thích nhà đất. Do đó, tiềm năng của thị trường bất động sản trong dài hạn vẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, giá nhà đất tiếp tục tăng cao trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nền kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh đang là "con dao hai lưỡi" đối với thanh khoản của dự án và chính các nhà đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đánh giá, đợt đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua ghi nhận cột mốc 2,4 tỷ đồng một m2, tăng gấp 8 lần so với lúc chào bán ban đầu, chắc chắn tác động trực tiếp đến tất cả phân khúc nhà ở theo quy tắc bình thông nhau (giá đất tăng và lan ra từ khu vực này sang khu vực khác, từ phân khúc cao sang phân khúc thấp). Trước mắt, giá bất động sản hạng sang và siêu sang sẽ lập mặt bằng giá mới. Kế đến giá bán các phân khúc cao - trung cấp cũng leo thang.

Ông Châu phân tích, mức trần đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa qua được hiểu không phải là giá hiện tại mà là giá kỳ vọng tương lai, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự lệch pha cung cầu nhà ở trong nhiều năm tới.

Theo Duy Anh (VietNamNet)

 

Nổi bật