Theo Reuters, Bank Indonesia (BI) trước đây từng khẳng định tiền thuật toán không được công nhận là phương tiện trao đổi hợp pháp, vì vậy không thể được dùng như phương thức thanh toán tại Indonesia. Phát ngôn viên Agusman của BI cho hay: “Việc sở hữu các loại tiền thuật toán có nguy cơ lớn, có xu hướng đầu cơ vì không có cơ quan nào lãnh trách nhiệm, không có nhà quản lý nào theo dõi và không có tài sản cơ bản nào bảo đảm cho giá cả”.Ông Agusman cũng cho biết tiền thuật toán có thể được dùng để rửa tiền và gây quỹ khủng bố. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính, gây thiệt hại cho xã hội.
“Chúng tôi nhắc nhở người dân về rủi ro của tiền thuật toán. Khi rủi ro xảy đến, người dân sẽ chịu lỗ. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ họ trước bong bóng”, ông Agusman cho hay.
Khi được hỏi liệu nhận định của chính quyền có làm những người đầu tư vào tiền thuật toán lo ngại hay không, ông đáp: “Họ đã không tham vấn chúng tôi khi mua tiền ảo. Hãy giúp chúng tôi giúp mọi người hiểu ra”.
Chính quyền Indonesia tăng cường cảnh báo về tiền thuật toán và tháng trước, BI ban hành quy định cấm các hãng công nghệ tài chính có liên quan đến hệ thống thanh toán dùng tiền ảo. Nước này cho hay họ đang kiểm tra xem liệu có nên quy định hoạt động giao dịch tiền thuật toán hay không. Một số công ty Indonesia viết trên trang web rằng họ chấp nhận thanh toán bằng bitcoin.
Tuần trước, Hàn Quốc khiến giá bitcoin toàn cầu giảm mạnh và thị trường tiền thuật toán chao đảo khi Bộ trưởng Tư pháp Park Sang-ki cho biết giới chức đang chuẩn bị ra luật tạm dừng hoạt động giao dịch tiền ảo. Giá cả sau đó phục hồi.
Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)