Mới đây, BIDV Long Biên Hà Nội thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của nhóm Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Minh Sơn, Công ty Cổ phần Thanh Tâm. Toàn bộ khoản nợ bao gồm nợ gốc và lãi, phí phát sinh với giá khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Khoản nợ không có tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, tổng dư nợ đến ngày 14/3/2023 của 2 công ty này hơn 508 tỷ đồng.
BIDV cũng thông báo bán đấu giá lần thứ 2 khoản nợ của Công ty CP thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi.
Giá khởi điểm hơn 914 tỷ đồng, giảm khoảng 102 tỷ đồng so với lần thứ nhất. Trong khi đó, tổng dư (nợ) của khoản nợ tạm tính đến ngày 9/5/2023 là 1.016 tỷ đồng.
Khoản nợ với tài sản đảm bảo bao gồm nhiều bất động sản, gồm: Nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18 MW; Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại khu công nghiệp Trà Đa, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai; bất động sản (nhà và đất tại Gia Lai và Kon Tum).
Vietinbank Kiên Giang thông báo bán đấu giá khoản nợ Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền. Khoản nợ tính đến ngày 6/6/2023 lên tới hơn 42 tỷ đồng. Thế nhưng, giá khởi điểm của khoản nợ ngân hàng rao bán chỉ 39,32 tỷ đồng.
Agribank chi nhánh Đông Anh bán khoản nợ Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng Thăng Long với giá khởi điểm hơn 7,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng dư nợ tạm tính đến 31/3/2023 hơn 18,8 tỷ đồng (nợ gốc hơn 7,8 tỷ đồng, lãi hơn 7,9 tỷ đồng).
Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn bán 6 khoản nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Thành Phố Xanh, Công ty TNHH Âu Á, Công ty TNHH Thương Mại Đầu Tư Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Đầu Tư Khải Phong, Công ty TNHH Đầu Tư Nguyên Ngọc, Công ty TNHH MTV Mêkông Đông Dương.
Các khoản nợ tính đến 30/4/2023 hơn 1.200 tỷ đồng; có chung 36 tài sản thế chấp tại ngân hàng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới - cho biết, ngành ngân hàng của Việt Nam đang đối mặt vấn đề lớn là nợ xấu. Nhiều ngân hàng đã gia tăng bán đấu giá các khoản nợ để thu hồi. Tuy nhiên, có những khoản nợ bán đi bán lại nhiều lần vẫn “ế”.
Theo ông Lược, nợ xấu tăng làm dòng tiền cho vay không trở lại ngân hàng, do đó buộc nhiều ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản. Cùng với đó, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khi nhiều nhà phát hành trái phiếu phải hoãn nợ, đứng trước nguy cơ vỡ nợ sẽ khiến thanh khoản ngân hàng càng trở nên căng thẳng.
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)