Ngày 30-5, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi các ngân hàng thương mại đề nghị nỗ lực giảm thêm 1-2% điểm lãi suất cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế….; phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5-6% theo chủ trương của Chính phủ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vấn đề trên, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết tăng trưởng tính dụng hiện nay đang có dấu hiệu đi lên, một số ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất tiền gửi để huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Vì thế, lãnh đạo VietinBank nhận định việc giảm thêm lãi suất cho vay là rất khó.
Tuy nhiên, ngân hàng vẫn có thể tiết kiệm chi phí kinh doanh nhiều hơn nữa, phấn đấu đưa lãi suất vế mức thấp nhất có thể, đồng thời sẽ nghiên cứu để tung ra các gói cho vay lãi suất "mềm" hơn dành cho các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng có sức mua khởi sắc.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombak) cho hay mặt bằng lãi suất cho vay gần như đã chạm đáy song ngân hàng vẫn cố gắng giảm thêm.
Thế nhưng, theo ông Tùng, do sức mua hàng hóa trong và ngoài nước chưa tăng mạnh nên việc giảm thêm lãi suất chỉ giúp một số doanh nghiệp hoạt động tốt tiếp cận vốn, giảm thêm chi phí kinh doanh, chưa thể tạo đà cho tổng dư nợ cho vay tăng mạnh
"Vì thế, vấn đề cốt lõi hiện nay là nhà nước sớm giải quyết những vướng mắc về pháp lý để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai, mở rộng các dự án sản xuất- kinh doanh. Khi đó, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ tăng mạnh, góp phần cho đà tăng trưởng nền kinh tế" - ông Tùng kiến nghị và kỳ vọng.
Theo Thy Thơ (Nld.com.vn)