Lợi nhuận “khủng”
Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) công bố báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2021 của 33 công ty niêm yết, đáng chú ý, trong số này hầu hết các ngân hàng đều có lãi lớn.
Những ngân hàng được SSI Research công bố có lãi lớn là Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); các ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Kỹ thương Việt Nam (TechcomBank), Á châu (ACB), Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank), Tiên phong (TPBank), Quân đội (MBBank) và Quốc tế (VIB).
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 của VietinBank ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 74% so với 6 tháng đầu năm 2020.
TechcomBank đạt 5.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý 2/2021, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt 11.189 tỷ đồng.
MSB ước tính lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 2.800 tỷ đồng, tăng mạnh 187% so với cùng kỳ năm 2020. TPBank có lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 1.585 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 3.007 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ 2020.
BIDV ước tính có lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 khoảng 3.850 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. ACB ước tính có lợi nhuận trước thuế quý 2 tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. HDBank có lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo SSI Research, lợi nhuận của các ngân hàng cao là do tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cao, biên lợi nhuận (NIM) được cải thiện. NIM của nhiều ngân hàng tăng khi tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với cùng kỳ, còn chi phí huy động vốn vẫn ở mức thấp, do mặt bằng lãi suất thấp được duy trì. Cùng với đó là doanh thu bán bảo hiểm (bancassurance) tăng, hỗ trợ đà tăng lợi nhuận của các ngân hàng.
Lãi suất khó giảm
Trong khi đó, đứng trước tình hình kinh doanh bất ổn, nhiều DN rất cần được giảm lãi vay để giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn treo cao.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa), chia sẻ, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các DN du lịch tại Nha Trang đang trong tình trạng tê liệt. Tuy nhiên, nhiều DN vay vốn với lãi suất 10,5%/năm vẫn không được giảm lãi suất. Đây là gánh nặng, các DN rất cần ngân hàng giảm lãi suất với các khoản vay hiện hữu, để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.
Chi hội Tàu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) cho hay, đại dịch Covid xảy ra hơn 1 năm qua gây rất nhiều khó khăn, hệ lụy cho các chủ tàu. Hiện hơn 500 tàu du lịch tại Hạ Long đang trong tỉnh cảnh nằm bờ “chờ chết”. Đặc biệt, vốn vay ngân hàng đã thực sự trở thành gánh nặng khủng khiếp và cực kỳ nguy hiểm cho mỗi chủ tàu. Hiện cơ cấu nguồn vốn vay thường chiếm đến 70% vốn đầu tư cho các dự án. Lãi suất vay đầu tư đều trên 10%/năm, các DN rất mong muốn được giảm lãi vay để vượt qua khó khăn.
Theo một DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí tại TP.HCM, họ là khách hàng lâu năm của Vietcombank, được xếp hạng khách hàng tốt, được vay với lãi suất mềm, nhưng vẫn ở mức 8,7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Đây là một trong 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn có vốn Nhà nước, lãi suất cho vay thường thấp hơn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Những doanh nghiệp vay vốn từ các ngân hàng TMCP tư nhân thường phải chịu lãi suất cao hơn.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (Hà Nội), chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, phản ảnh, doanh nghiệp chỉ tiếp cận được nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ với lãi suất khá cao. Hiện phần lớn DN vẫn phải vay vốn ngắn hạn, kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 9%/năm. Trong bối cảnh hiện nay, DN không thể “gánh” được mức lãi quá cao như vậy. Hơn nữa với khoản vay cũ cũng kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 10,5%/năm, ngân hàng không cho giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, mặt bằng lãi suất nửa đầu năm 2021 tương đối ổn định. Hiện lãi suất tiết kiệm ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 4-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,7%/năm.
Cũng theo Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47%. Diễn biến này cho thấy, dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đã chậm lại. Nếu tăng trưởng tín dụng tiếp tục cao và tăng trưởng huy động thấp, thì xu hướng tăng lãi suất huy động là khó tránh khỏi.
Mới đây, Vietcombank đã tăng 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sau khi duy trì mặt bằng lãi suất thấp từ đầu năm 2021 đến nay cho ngang bằng với các ngân hàng khác. Với một số ngân hàng TMCP nhỏ, hiện có thanh khoản kém dồi dào hơn so với các ngân hàng lớn. Nếu thanh khoản “căng”, các ngân hàng này có thể tăng lãi suất huy động, đẩy mặt bằng lãi suất lên. Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay khó có hy vọng giảm. Các DN khó có thể vay được nguồn vốn lãi suất thấp để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)