Ngân hàng khó theo trào lưu 'flex' lợi nhuận?

20/07/2023 09:23:18

Trào lưu “flex” (khoe) đang tạo sóng trên mạng xã hội. Dự báo lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái, các ngân hàng sẽ khó có cơ hội khoe lợi nhuận tăng trưởng.

Lợi nhuận giảm

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kết quả này cho thấy, TPBank mới chỉ đạt 40% kế hoạch lợi nhuận của cả năm dù một nửa chặng đường của năm 2023 đã qua đi. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên TPBank đề ra kế hoạch thận trọng cho năm 2023 là 8.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 11% so với năm 2022).

TPBank cũng công bố một số chỉ tiêu đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm. Thu nhập thuần từ dịch vụ đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tổng huy động đạt trên 302.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt gần 343.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel III ở mức trên 11%.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm với những kết quả không mấy khả quan. 

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong quý II của LPBank đạt 880 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế đạt mức 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này cũng mới chỉ giúp cho LPBank hoàn thành 41% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Việc cả hai ngân hàng chưa đạt 50% kế hoạch lợi nhuận của cả năm sẽ tạo thêm áp lực cho những tháng còn lại của năm 2023. Kết quả này phần nào hé lộ về bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong giai đoạn còn nhiều khó khăn.

Trước đó, phần lớn các ngân hàng đều đưa ra kế hoạch lợi nhuận tương đối thận trọng ngay từ đầu năm.

Những khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng như trong nước đã tác động lớn đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng. 

Ngân hàng khó theo trào lưu 'flex' lợi nhuận?
TPBank không đạt lợi nhuận như kỳ vọng. (Ảnh: Hoàng Hà).

Hạ lãi suất, gia hạn nợ kéo lợi nhuận sụt giảm nghìn tỷ

Trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng đều “hy sinh” lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần vực dậy nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Với các ngân hàng thương mại khác, dù chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng có thể dự báo về một mùa “flex” lợi nhuận kém sôi động hơn khi mỗi ngân hàng sẽ phải bỏ qua mối lợi nghìn tỷ trước mắt để cứu doanh nghiệp, cũng là tự cứu lấy chính mình.

Ngay tại TPBank, trong 6 tháng đầu năm 2023, hàng loạt khoản vay mới và cũ tại TPBank đều được giảm lãi, gia hạn. Có những khoản vay đủ điều kiện có thể được giảm tối đa tới 3,6%.

Còn tại LPBank, ngân hàng dành 10.000 tỷ đồng cho vay SXKD ngắn hạn với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm. Mức lãi suất này sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn.

LPBank cho biết, tính đến 28/6, chỉ sau 20 ngày triển khai gói vay ưu đãi, đã có 514/561 điểm giao dịch trên toàn quốc có phát sinh khách hàng vay vốn với tổng doanh số giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng. Số lượng khách hàng được vay vốn là hơn 5.000 khách hàng.

Thông qua giảm lãi suất cho vay, ngân hàng cũng chấp nhận giảm lợi nhuận, có những ngân hàng lớn như BIDV, qua việc giảm lãi suất đã giảm lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng.

Về phía Vietcombank (VCB), ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, tăng trưởng huy động vốn và cho vay lần lượt đạt 6,6% và 2,6%, đạt quy mô tương ứng 1,3 và 1,2 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 350%.

Trong 6 tháng đầu năm, VCB đã thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Lũy kế đến 30/06, VCB đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ của VCB..

Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Ngân hàng BIDV, trong 6 tháng đầu năm BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5%/năm - 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1%/năm - 1,5%/năm. 

Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay phần nào tác động đến lợi nhuận của ngân hàng, dự báo doanh thu từ mảng bancasurrance 6 tháng đầu năm cũng sẽ sụt giảm do xảy ra đợt khủng hoảng niềm tin của khách hàng đối với bancassurance từ cuối năm 2022 đến nay.

Bên cạnh đó, khó khăn của các doanh nghiệp nói chung có thể sẽ buộc các ngân hàng phải mạnh tay trích lập dự phòng cho các khoản vay có độ rủi ro cao, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Cổ phiếu đầu tiên vượt ngưỡng nửa triệu tỷ vốn hóa

Trong phiên giao dịch ngày 19/7, cổ phiếu VCB của Vietcombank lập đỉnh giá mới 106.500 đồng/cp, qua đó giúp VCB đạt mức vốn hoá kỷ lục trên sàn chứng khoán với giá trị vốn hoá lên tới 504.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu VCB đã tăng 33% kể từ đầu năm đến nay.

Ngân hàng dự kiến tăng thêm 8.566 tỷ đồng vốn điều lệ lên mức 55.891 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu trả cổ tức. Sau khi tăng vốn, VCB sẽ vượt qua BIDV và VietinBank để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai, sau VPBank.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)

Nổi bật