Lãi suất vay mua nhà thấp
Lãi suất cho vay mua nhà của các nhà băng hiện nay rất hấp dẫn. Các ngân hàng thương mại trong nước đưa ra mức lãi suất mua nhà phổ biến từ 5,99-10%/năm, áp dụng cố định trong 6 tháng đến 3 năm đầu, tùy ngân hàng và các chương trình ưu đãi tại thời điểm giải ngân.
Còn các ngân hàng nước ngoài có mức lãi suất cho vay mua nhà dao động từ 6,45-8,7%/năm áp dụng cố định cho khoản vay trong thời gian ưu đãi. Sau đó, lãi suất cho vay được tính theo mức lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất huy động) cộng thêm biên độ 3-4%/năm.
Cụ thể, ở khối các ngân hàng trong nước, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đưa ra chính sách cho vay mua nhà rất hấp dẫn với 5,99%/năm, thấp nhất thị trường hiện nay. Nhưng, mức lãi suất này chỉ áp dụng cố định trong 6 tháng đầu, sau đó thả nổi theo mức lãi suất tiết kiệm cộng thêm biên độ 3,5%/năm. Hạn mức cho vay mua nhà tối đa tại OCB tới 100% giá trị bất động sản; thời hạn vay tối đa 25 năm.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà chỉ từ 5,99%/năm. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất được tính theo mức lãi suất tiết kiệm cộng thêm biên độ 3-5%/năm. Khoản vay tối đa tới 80% nhu cầu; thời hạn vay tối đa 20 năm.
Lãi suất cho vay mua nhà của VietABank chỉ nhỉnh hơn 0,01%/năm so với OCB và MSB, ở mức 6%/năm. Khoản vay tối đa 100% giá trị nhà. Thời hạn vay tối đa 20 năm.
VietBank cho khách vay mua nhà với lãi suất chỉ 6,5%/năm. Hạn mức cho vay tối đa tới 70% giá trị tài sản đảm bảo. Thời hạn cho vay đến 25 năm.
Tại ngân hàng HSBC, mức lãi suất cho vay mua nhà chỉ từ 6,49%/năm. Khoản vay lên đến 70% giá trị căn nhà thế chấp; thời hạn vay dài lên đến 25 năm.
Một số các ngân hàng khác có lãi suất cho vay ưu đãi khá hấp dẫn như: VPBank là 6,9%/năm; TPBank là 7%/năm; Vietcombank là 7,5%/năm; BIDV là 7,3%/năm; Agribank là 7,5%/năm; ACB là 7,5%/năm; VietinBank là 7,7%/năm, PVcomBank là 7,49%/năm, SCB 7,9%/năm...
Trong khi đó, một số ngân hàng khác lại có mức lãi suất mua nhà khá cao như: SHB 8,5%/năm; ABBank 8,5%/năm; Eximbank 9%/năm, Nam Á Bank 10%/năm.
Không chỉ các ngân hàng trong nước, khối các nhà băng nước ngoài hiện cũng có mức lãi suất rất cạnh tranh. Trong đó, ngân hàng Standard Chartered áp dụng lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi 6,45%/năm, hạn mức cho vay lên tới 75% giá trị bất động sản, thời hạn vay tối đa 25 năm.
Hong Leong Bank áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 6,49%/năm, tỉ lệ cho vay tối đa lên đến 80% giá trị bất động sản, thời hạn vay tối đa 25 năm.
Ngân hàng Shinhan đưa ra mức lãi suất cho khách vay mua nhà là 7,7%/năm, hạn mức vay tối đa lên đến 60% giá trị bất động sản, thời hạn vay tối đa 20 năm.
UOB đưa mức lãi suất cho vay mua nhà trong thời gian ưu đãi 8,7%/năm, khoản vay tối đa 30 tỷ, kì hạn vay tối đa 25 năm.
Lưu ý khi vay mua nhà
Theo nhiều chuyên gia, lãi suất cho vay mua nhà hiện nay ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, đây là cơ hội tốt cho nhiều người để có thể sở hữu ngôi nhà mơ ước.
Tuy nhiên, khi mua nhà, bạn cần tính toán kĩ giá trị căn nhà và số tiền cần vay. Khách hàng cần tính toán khả năng tài chính, khả năng trả nợ của mình để chọn mức vay phù hợp. Khi vay số tiền càng lớn, tổng số lãi phải trả ngân hàng càng cao. Do đó, khách hàng nên chọn gói vay mua nhà đất phù hợp để không phải chịu số tiền lãi quá lớn.
Bạn cũng không nên vay vượt quá năng lực tài chính hiện có và khả năng trong tương lai, đề phòng những rủi ro trong cuộc sống và công việc có thể xảy ra khiến bạn mất khả năng trả nợ ngân hàng.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều khách hàng vay vốn ngân hàng mua nhà nhưng sau đó gặp khó khăn, mất khả năng trả nợ. Cuối cùng, nhà bị ngân hàng tịch thu, phát mãi.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ thời hạn gói vay. Nếu thu nhập thấp, bạn nên chọn gói vay có thời hạn dài để bớt áp lực trả nợ ngân hàng hàng tháng.
Đồng thời, cần nắm rõ mức lãi suất cho vay trong từng giai đoạn. Thông thường, các ngân hàng đều đưa ra nhiều mức lãi suất khác nhau cho từng thời kỳ. Thời gian đầu, bao giờ lãi suất cũng hấp dẫn, nhưng sau đó lãi suất sẽ tăng dần theo thời gian.
Ngoài ra, khách hàng cần nắm được lịch trả nợ gốc, lãi, các loại phí liên quan như phí phạt trả nợ trước hạn, phí bảo hiểm tài sản, các loại hợp đồng phát sinh như hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp,... để tránh những rắc rối về sau.
Theo Tuấn Dũng (VietNamNet)