Tiếp tục lãi lớn
Thông tin từ Ngân hàng Tiên phong (TPBank) cho biết, lợi nhuận quý 2/2022 đạt gần 2.200 tỷ đồng, lũy kế đến 30/6 lợi nhuận đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ước tính, lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2022 tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế lợi nhuận nửa đầu năm của ngân hàng này đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá ở mức khoảng 30% trong nửa đầu năm 2022.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác ước tính lợi nhuận nửa đầu năm nay tăng từ 20-40%,so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay của 27 ngân hàng đang niêm yết có khả năng tăng tới 36%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm và mặt bằng lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng thấp, trong khi lãi suất cho vay neo cao là những yếu chính tố mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng. Theo giới chuyên môn, mặt bằng lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng nửa đầu năm nay chỉ từ 4-6%/năm, nhưng lãi suất cho vay giữ ở mức cao từ 8,5-10,5%/năm, cùng với tăng trưởng tín dụng đạt 9,35% đã giúp các ngân hàng duy trì được lợi nhuận cao.
Không những thế, các ngân hàng đang thu hút được một lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn, với lãi suất chỉ ở quanh mức từ 0,1-0,3%/năm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân của người dân tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng mạnh 3 tháng đầu năm 2022.
Thống kê cho thấy, trong quý 1/2022, toàn hệ thống ngân hàng có 118,645 triệu tài khoản thanh toán thuộc sở hữu của khách hàng cá nhân, tăng 3,454 triệu tài khoản so với quý liền trước, tương đương 3%. Trong khi đó, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán đã chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% so với quý liền trước. Bình quân mỗi tài khoản thanh toán của người dân để khoảng 8,8 triệu đồng. Số tiền với chi phí thấp này đem cho vay cũng góp phần đem lại lợi nhuận lớn.
Ngoài ra, thu nhập từ bán bảo hiểm cũng mang lại hàng trăm tỷ đồng hoa hồng và phí ứng trước cho các ngân hàng, góp thêm vào tăng trưởng lợi nhuận.
Doanh nghiệp khó, ngân hàng lãi to
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ “nới” hạn mức tín dụng trong quý 3/2022, điều này giúp lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục sáng sủa trong nửa cuối năm 2022.
Nhiều ngân hàng dự báo tiếp tục lãi lớn vào nửa cuối năm, góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022. Eximbank kỳ vọng thu về 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, nhưng sau nửa năm đã đạt 1.800 tỷ đồng. Ngân hàng Hàng Hải (MSB) dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 30%. Ngân hàng Quốc tế (VIB) dự kiến đạt lợi nhuận kỷ lục 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 20% so với 2021. Năm ngoái, VietinBank đã ghi nhận mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 17.589 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý, phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1%/năm trong 2 năm để hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, điều này không thành hiện thực.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, lãi suất cho vay với khách hàng DN, của các ngân hàng thương mại quý 2/2022 khá cao. Cụ thể, các DN đang phải vay phổ biến với kỳ hạn 6 tháng là 8-9%/năm. Tuy nhiên, các mức lãi suất này không cố định. Cứ sau 3 tháng lại điều chỉnh một lần, cộng thêm biên độ. Mức cộng từ 1-3% cho kỳ hạn 6 tháng. Tính ra, lãi suất bình quân thấp nhất DN vay kỳ hạn 6 tháng thấp nhất cũng là 9,5%/năm.
Theo các chuyên gia tài chính, do áp lực của lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ quý 3/2022. Vì vậy, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ rơi về cuối năm, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 37% về 34% sẽ có hiệu lực từ 1/10/2022. Lãi suất huy động dự báo có thể tiếp tục tăng thêm 0,5-0,8 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2022.
Các ngân hàng muốn duy trì lợi nhuận cao, tất nhiên sẽ phải tăng lãi suất cho vay khi lãi suất huy động tăng. Vì vậy, lãi suất cho vay cũng sẽ bị tác động. Khi đó, lãi suất cho vay kỳ hạn 6 tháng có thể lên tới 10%/năm. Một số DN than rằng, mức lãi suất như vậy là khá cao bởi chi phí đầu vào tăng cao. "Lãi vay cao, chúng tôi làm ra chỉ để mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng", vị giám đốc than thở.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)