Khóa dòng khí, dừng bán dầu
Tập đoàn Gazprom của Nga hôm 2/9 tuyên bố đóng Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tới Đức vô thời hạn vì “rò rỉ” do “các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cản trở các hoạt động bảo trì thường kỳ đường ống”.
Theo Kremlin, việc cung cấp khí đốt sẽ còn gặp nhiều gián đoạn hơn trong tương lai.
Cùng ngày, Nga cho biết sẽ dừng bán dầu cho các nước áp giá trần lên mặt hàng dầu nhập khẩu.
Động thái này diễn ra ngay sau khi các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 ngày 2/9 tuyên bố sẽ khẩn trương làm việc để hoàn thành và thực hiện biện pháp áp giá trần với dầu Nga nhằm ngăn nguồn thu quan trọng của Nga cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đây là biện pháp được thực hiện đồng thời với các lệnh trừng phạt trước đây của G7 đối với dầu Nga.
Đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh cấm một phần đối với việc mua dầu của Nga. Khi có hiệu lực hoàn toàn, EU sẽ ngừng mua 90% dầu từ Nga.
Mức giá trần G7 dự định áp lên dầu Nga chưa được công bố. Tuy nhiên, theo Reuters, Điện Kremlin thông báo mức giới hạn sẽ dẫn đến sự bất ổn đáng kể của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Nga sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia áp đặt giới hạn giá đối với các nguồn năng lượng của nước này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tán thành bình luận của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak rằng, các công ty áp đặt giới hạn giá sẽ không nằm trong số những người nhận dầu của Nga.
Trên Reuters, ông Dmitry Peskov cho rằng Nga chỉ đơn giản là sẽ không hợp tác với họ theo các nguyên tắc phi thị trường. Ông Peskov nói chính các công dân châu Âu đang phải trả giá cho những động thái như vậy.
Châu Âu "cắn răng" lấp đầy kho dầu, khí
Phía Nga đang nghiên cứu mức trần giá đối với xuất khẩu dầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế của mình và khẳng định, một động thái như vậy sẽ dẫn đến sự mất ổn định đáng kể của thị trường dầu mỏ.
Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng xuất khẩu sản phẩm dầu và dầu thô của Nga.
EU nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày, 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế/ngày và 0,5 triệu thùng dầu diesel/ngày trong năm 2021. Trong đó, Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Nhưng hơn một tháng qua, Nord Stream 1 hoạt động chỉ với 20% công suất khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt.
Nhiều quốc gia EU vật lộn tìm cách nạp đầy kho khí đốt cho mùa đông sắp tới.
Mỹ và EU đang tích cực phối hợp để đảm bảo các kho lưu trữ khí đốt châu Âu sẽ được lấp đầy trước mùa đông.
Trên Reuters, ông Peskov nhìn nhận các thị trường năng lượng đang ở mức sốt cao. Điều này chủ yếu ở châu Âu. Các biện pháp chống Nga đã dẫn đến tình trạng châu Âu đang mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ với số tiền lớn. Các công ty Mỹ đang giàu lên và người đóng thuế châu Âu đang nghèo đi.
Trước mắt, châu Âu phải đẩy mạnh mua khí hóa lỏng LNG trên thị trường giao ngay để giải quyết tình trạng thiếu khí đốt. Các nước trong khu vực sẽ phải mua từ các đối tác châu Á, vốn đã ký thỏa thuận dài hạn với các nhà sản xuất Mỹ.
Với lệnh áp giá trần, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận xét đây là một ý tưởng tham vọng và còn "rất nhiều việc phải làm".
Hiện, các nước có quan điểm chia rẽ sâu sắc về cuộc xung đột Nga - Ukraine. Hàng chục nước, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, lên án Nga vì chiến dịch quân sự. Đây cũng là hai khách hàng mua dầu của Nga được chiết khấu giá cao nhất.
Thời gian gần đây, giá dầu khí tăng vọt khi phương Tây tuyên bố áp đặt giới hạn nhập khẩu dầu Nga. Nếu giá trần được áp dụng, hậu quả cũng khó lường. Khi Nga thực sự dừng bán dầu cho EU, nguồn cung dầu giảm có thể gây tổn thương cho nền kinh tế thế giới.
Trong khi đó, mặt hàng dầu khí của Nga được cho là vẫn sẽ hấp dẫn bởi khi áp giá trần, giá dầu của Nga có thể sẽ rẻ hơn đáng kể so với mặt bằng giá trên thị trường toàn cầu.
Theo M. Hà (VietNamNet)