Theo Project Syndicate, trước việc chiến sự tại Ukraine đã kéo dài hơn 100 ngày, cần phải đặt câu hỏi rằng những biện pháp trừng phạt về mặt kinh tế của phương Tây có thực sự ảnh hưởng tới Nga hay không, và liệu lệnh cấm vận dầu Nga mới được công bố bởi Liên minh châu Âu (EU) có đem lại hiệu quả như mong muốn?
Tính đến tháng 5/2022, các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây không làm ảnh hưởng nhiều tới Nga bởi phần lớn doanh thu của nước này tới từ xuất khẩu dầu mỏ. Cùng với việc nhu cầu sử dụng trong nước dần bị thu hẹp, Nga vẫn có thể duy trì mức độ xuất khẩu dầu hơn 7 triệu thùng/ngày như trước. Với giá 110-120 USD/ thùng, chỉ riêng việc xuất khẩu dầu thô sẽ đem lại cho Nga 300 tỷ USD mỗi năm.
Vì lẽ đó, lệnh cấm vận dầu Nga và không cho phép các công ty bảo hiểm cung cấp hợp đồng cho các tàu chở dầu Nga đã được EU thông qua vào ngày 30/5. Theo EU, một nửa sản lượng xuất khẩu của Nga là cho các nước thuộc liên minh, như vậy lệnh cấm vận dầu sẽ gây ra thiệt hại 150 tỷ USD với Nga, nhưng thực tế dường như phức tạp hơn rất nhiều.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong một thời gian ngắn, khi nguồn cung dầu khí bị hạn chế, giá dầu sẽ nhanh chóng leo thang. Nói một cách khác, giá cả tăng vọt sẽ thúc đẩy thu nhập xuất khẩu của Nga, tạo cảm giác rằng các lệnh cấm vận không có hiệu quả. Dĩ nhiên, giá dầu sẽ dần giảm xuống khi các quốc gia khác đẩy mạnh khai thác dầu mỏ. Lợi nhuận chứ không phải các nguyên nhân chính trị sẽ là động lực thúc đẩy các nước OPEC nhanh chóng đưa ra chính sách tăng mục tiêu sản xuất. Tuy vậy, vào thời điểm giá dầu được cân bằng, Nga đã thu được một khoản lợi nhuận đáng kể.
Một lí do lớn khác khiến lệnh cấm vận dầu Nga sẽ chỉ gây ra tác động không đáng kể là việc EU không phải là bạn hàng quan trọng nhất của Nga. Ấn Độ và Trung Quốc tiêu thụ dầu gấp đôi các nước EU và họ sẵn sàng mua lại số dầu mà EU bỏ lại. Do đó, không thể ngăn cản được con đường xuất khẩu của Nga. Ngoài ra, lệnh cấm vận của EU chỉ áp dụng với xuất khẩu dầu thô bằng đường thủy, Moscow vẫn có thể bán dầu thông qua các đường ống dẫn năng lượng.
Vì lẽ đó, hiệu quả của lệnh cấm vận sẽ không được tính bằng khối lượng dầu xuất khẩu của Nga, mà là việc nước này thu được bao nhiêu từ cùng khối lượng đó so với trước chiến sự.
Thực tế, giá dầu của Nga đã giảm khoảng 30 USD/ thùng, nhưng điều này không phải do tác động của lệnh cấm vận. Dù là nguyên nhân nào, lợi nhuận xuất khẩu dầu của Nga đã giảm đi gần 100 tỷ USD so với giá bán năm 2021.
Mặt khác, trong thời gian tới, những tổn thất của Nga có thể sẽ còn lớn hơn nữa bởi lệnh cấm bảo hiểm cho tàu chở dầu Nga. Đây thậm chí còn được coi là biện pháp trừng phạt quan trọng hơn vì hầu như chẳng có công ty nào sẵn sàng chở dầu nếu con tàu bị các hãng bảo hiểm từ chối, trừ khi Nga đưa ra mức chiết khấu đủ lớn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc Moscow tự tay cắt bỏ thêm một phần lợi nhuận của họ.
"Dù lệnh cấm vận dầu không đem lại tác động quá lớn, nhưng nó cũng gây thiệt hại đáng kể với ngân sách của Nga. Moscow có thể chuyển hướng dòng chảy của dầu thô bằng tập trung vào các bạn hàng châu Á, nhưng rất khó để bù đắp triệt để cho sự mất mát ở thị trường châu Âu", Tiến sĩ Maria Shagina - Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận xét.
Cuối cùng, những tín hiệu từ thị trường cho thấy, việc gia tăng đáng kể sản lượng dầu của các quốc gia khác sẽ là nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới hạ nhiệt và gây ảnh hưởng trực tiếp tới Nga. Còn về các lệnh cấm vận, các nhà lãnh đạo EU phải chấp nhận rằng họ không thể làm tê liệt hoàn toàn nền kinh tế Nga, mà chỉ có thể gây ảnh hưởng ở một mức độ vừa phải.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)