Nếu được giảm 3 loại thuế, giá xăng sẽ giảm được bao nhiêu?

01/07/2022 09:28:05

Bên cạnh giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu. Theo đó, nếu được đồng ý giảm 3/4 sắc thuế, giá xăng trong nước dự kiến giảm mạnh.

Trong 2 tháng, giá bán lẻ xăng trong nước đã năm lần lập đỉnh. Gần nhất, hôm 21/6, mỗi lít xăng RON 95-III tăng lên mức cao nhất lịch sử, là 32.870 đồng. Sau 16 đợt điều chỉnh, trong đó 12 lần tăng giá, hiện mỗi lít xăng RON 95-III đã đắt thêm 9.000 đồng, còn E5 RON 92 là 8.150 đồng so với hồi đầu năm nay. Đáng kể nhất, dầu diesel - loại nhiên liệu dùng nhiều trong vận tải, đã tăng thêm gần 11.800 đồng so với thời điểm 11/1.

Để góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát, ngày 30/6, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng này, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đây là đề xuất tiếp theo của cơ quan quản lý tài khóa sau đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường nhằm kìm đà tăng của giá xăng dầu trong nước. Mặc dù, mức giảm cụ thể với 2 sắc thuế này chưa được đưa ra song giải pháp giảm thuế được kỳ vọng sẽ "hạ nhiệt" giá mặt hàng xăng dầu trong nước.

Nếu được giảm 3 loại thuế, giá xăng sẽ giảm được bao nhiêu?
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang gánh 4 loại thuế chính, gồm: thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng (sau khi được giảm 50% từ 1/4 năm nay). 

Bên cạnh đó, giá bán lẻ mặt hàng này còn có lợi nhuận định mức 300 đồng/lít và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng/lít xăng, 600-950 đồng/lít dầu.

Theo Zing News đưa ra giả thiết, nếu đề xuất giảm kịch khung về mức sàn thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua thì trước hết giá xăng sẽ giảm thêm 1.000 đồng/lít.

Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 8-10% cơ cấu giá xăng cơ sở, tức chiếm khoảng 1.700-2.300 đồng trên mỗi lít (tính theo giá xăng thời điểm ngày 30/6). Trong trường hợp, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt thì mức thu sắc thuế này sẽ giảm về 4-5%, tức giá xăng giảm thêm khoảng 850-1.150 đồng trên mỗi lít.

Với giả thiết Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch khung sắc thuế này, giá mặt hàng này có thể giảm thêm tới 1.700-2.300 đồng/lít.

Bên cạnh đó, hiện thuế giá trị gia tăng quy định ở mức 10%, tức khoảng 2.800-3.000 đồng/lít với xăng. Nếu giảm 50%, mặt hàng này sẽ được giảm thêm khoảng 1.400-1.500 đồng trên mỗi lít. Nếu giảm kịch khung, mức giảm sẽ gấp đôi.

Như vậy, trong trường hợp Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT, giá xăng trong nước có thể giảm tới 3.250-3.650 đồng/lít (bao gồm giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường). Nếu giảm kịch khung cả 3 sắc thuế, giá mặt hàng này có thể giảm tới 5.500-6.300 đồng/lít.

Ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, sắc thuế khác trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có thể giảm là thuế nhập khẩu (10%). Việc giảm thuế này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên có thể giảm ngay trong tháng 7.

"Theo rà soát, cam kết của Việt Nam trong các FTA là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết", Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích trong văn bản gửi Bộ Tài chính.

Trong kỳ điều hành giá gần nhất (21/6), giá xăng E5 RON 92 tiếp tục tăng 185 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít. Sau tăng, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 31.302 đồng/lít và xăng RON 95 là 32.873 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 13 của mặt hàng này trong hơn nửa đầu năm 2022.

PN (Nguoiduatin.vn)