Những ngày qua, anh Hoàng Nam - một kỹ sư công nghệ tại quận 10, TP HCM thường tranh thủ dịp cuối tuần để lùng mua đất tại các quận ngoại thành Sài Gòn. Bởi theo anh, thời điểm dịch bệnh vừa qua, nhiều nhà đầu tư "án binh bất động" nên giá các dự án có thể sẽ rẻ.
Tương tự, anh Hữu Đôn (quận Tân Bình, TP HCM) cũng chọn đầu tư bất động sản với niềm tin hậu Covid-19, bất động sản sẽ bứt phá. Tuy vậy, trong giai đoạn này, cả anh Hoàng Nam và anh Hữu Đôn đều chưa dám "bung" mạnh vốn, chỉ đầu tư những đất nền tầm giá một vài tỷ đồng để thăm dò thị trường.
Trong khi đó, ở phân khúc khách hàng đứng tuổi, kênh gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn hàng đầu. Bà Thanh Thúy 60 tuổi, vừa về hưu (quận Thủ Đức, TP HCM) cho hay, chứng kiến lãi suất liên tục hạ, số tiền lãi nhận được từ khoản tiền gửi một tỷ đồng cứ giảm dần, bà cũng sót. Hiện bà gửi kỳ hạn 6 tháng, lãi suất chỉ 3,9%.
"Nhiều lúc rất muốn rút ra, nhưng tôi không biết kênh nào sẽ an toàn và sinh lời hơn nên lại thôi", bà Thúy cho hay.
Hiện nay, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 nên các chuyên gia kinh tế cho rằng, không có kênh đầu tư nào vượt trội về khả năng sinh lời. Theo ghi nhận, các nhà đầu tư đang chọn lựa kênh đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, xét riêng 5 kênh đầu tư phổ biến: gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, vàng và ngoại tệ, không có kênh nào bền vững và mang lại lợi nhuận cao.
Ông phân tích, gửi tiết kiệm có thể là kênh an toàn nhất song lãi suất ngày càng giảm. Tùy vào ngân hàng mà mức giảm khác nhau, dao động từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm. Theo ông Hiếu, từ đây đến cuối năm, lãi suất có xu hướng ngày càng giảm thêm. Do đó, gửi ngân hàng là kênh an toàn nhất, song không thể phát triển vì lãi suất thấp.
Nhận xét về thị trường ngoại hối, TS Hiếu nhận định, từ đầu năm đến nay, tỷ giá không tăng nhiều. Do đó, đây không phải là một kênh đầu tư kiếm lời tốt trong bối cảnh này.
Còn về kênh vàng, thị trường đang chứng kiến những biến động mạnh. Giá vàng phụ thuộc vào tình hình kinh tế - chính trị và đại dịch. Từ đây đến cuối năm, rất có thể, cùng với những biến động trên thế giới, nhất là sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ đẩy giá vàng lên. Nhưng vẫn phải xét đến diễn biến của dịch Covid-19 tác động đến giá vàng. Bởi vậy, ông Hiếu cho rằng không có gì chắc chắn về bức tranh tương lai của thị trường vàng.
Với bất động sản, TS Hiếu nhận định, trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới và thị trường bất động sản trong nước cũng không có nhiều khởi sắc. Tuy vậy, đây vẫn là kênh đầu tư trụ cột trong nền kinh tế. Cụ thể, thị trường bất động sản luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế. Do đó, khi kinh tế hồi phục và phát triển hậu Covid-19, bất động sản có thể đi lên.
"Theo tôi, bất động sản là kênh có thể hồi phục nhanh nhất hậu Covid-19", ông Hiếu nhận định.
Tuy vậy, theo PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP HCM), nhược điểm của kênh đầu tư bất động sản là đòi hỏi vốn lớn mà xu hướng thị trường lại chưa rõ ràng. Giới đầu tư cũng không chắc chắn liệu giá bất động sản đã trở về giá trị kinh tế thật sau một thời gian dài diễn ra bong bóng.
Trong khi đó, với kênh chứng khoán, Luật sư Võ Hoàng Vĩnh nhận định, kênh này có thể sinh lời bởi các doanh nghiệp sau khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì các giá trị về chỉ số chứng khoán cũng đua nhau giảm. Điều này tạo cơ hội cho nhà đầu tư F0 tham gia.
Ngoài ra, theo ông còn có những lý do tích cực như nhà nước đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vay lãi suất thấp, khoanh, giãn nợ, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Gần đây, thị trường chứng khoán bùng nổ về đăng ký tài khoản mới bởi Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt nên các Quỹ đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu quan tâm. Nguồn tiền mạnh, thanh khoản mạnh thì tất yếu thị trường chứng khoán sẽ sôi động thời gian tới. Tuy nhiên, kênh này vẫn sẽ có những rủi ro riêng, nhất là với những người không có nhiều kiến thức về thị trường.
Từ những phân tích trên, điểm chung của các chuyên gia là trong tất cả kênh đầu tư phổ biến, mỗi kênh đều có ưu nhược điểm riêng. Xét về độ an toàn, kênh tiền gửi ngân hàng vẫn là cao nhất nhưng kênh có khả năng sinh lời lúc này có thể là kênh chứng khoán.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tuỳ khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư mà có sự cân nhắc và lựa chọn kênh phù hợp cho riêng mình.
Theo Lê Hạnh (VietNamNet)