Để giữ được an toàn nợ công, yêu cầu đặt ra là phải cắt giảm chi tiêu công, và một trong những giải pháp được Chính phủ lựa chọn là cắt giảm biên chế. Thế nhưng, thực tế tình hình đang diễn biến theo chiều hướng ngược lại. Cùng với đó, các khoản nợ không chính thức cũng đẩy áp lực lên an toàn của nợ công.
|
Nhiều công trình xây dựng cơ bản được triển khai khi chưa có vốn dẫn tới Nhà nước nợ nhà thầu thi công. (Ảnh minh họa: Phạm Thanh). |
Chi lương tăng nhanh
Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên tăng nhanh, lên tới 70% tổng chi ngân sách (giai đoạn trước đó chỉ ở mức 63%). Trong đó, đặc biệt chi lương tăng mạnh, năm 2009 chi lương chỉ bằng 6,2% GDP, tới năm 2012 đã tăng lên 7,3% GDP và chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước, chủ yếu do tăng lương và tăng biên chế. Đặc biệt, số lượng cán bộ ở địa phương có năm tăng đến 20% do đưa cán bộ xã và giáo viên mầm non vào biên chế. Điều này trái ngược với lộ trình cải cách hành chính, với mục tiêu tăng lương trên cơ sở tinh giản biên chế.
“Tốc độ tăng biên chế đang cao hơn tốc độ tăng dân số (cao hơn 1,1%). Do đó, cần phân tích thêm về diễn biến chi lương trước khi tiếp tục tăng lương và biên chế của Chính phủ. Với xu hướng hiện nay, mức chi lương của Việt Nam có thể dễ dàng vượt mức bình quân của các quốc gia có thu nhập trung bình trong thời gian ngắn”, WB cảnh báo.
Các chuyên gia của WB đánh giá, trong lĩnh vực sự nghiệp, hiệu suất sử dụng nhân lực ở một số ngành, đặc biệt giáo dục và y tế chưa cao. Tình trạng dôi dư giáo viên được ghi nhận ở hầu hết các trường trung học cơ sở, dẫn tới chi lương chiếm hầu hết chi phí của các trường. Do đó, thay vì tăng biên chế có thể tăng giờ dạy của giáo viên, tăng giờ khám chữa bệnh của bác sĩ; tinh giản biên chế, giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công là giải pháp quan trọng được các chuyên gia khuyến nghị để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Nợ công tính đủ đã vượt trần
Theo Luật Quản lý nợ công, hiện các khoản nợ được xếp vào nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của các cấp địa phương. Tổng các khoản nợ này hết năm 2015 bằng 61% GDP. Tuy nhiên, theo WB, nợ dự phòng và nợ dự phòng tiềm ẩn (những khoản nợ Chính phủ có thể phải trả thay, như nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ xây dựng cơ bản…) nếu hiện thực hóa sẽ càng khiến ngân sách dễ tổn thương.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hết năm 2016, nợ đọng xây dựng cơ bản từ ngân sách trung ương là hơn 9.557 tỷ đồng, chưa kể nợ xây dựng cơ bản ở cấp địa phương. Thực tế, hiện một số doanh nghiệp xây dựng lớn đang phải gánh các khoản nợ xây dựng cơ bản lớn. Như tại Tổng Cty Vinaconex đến hết năm 2016 còn bị nợ hơn 1.185 tỷ đồng từ xây dựng cơ bản; Tổng Cty 319 còn bị nợ hơn 1.860 tỷ đồng; Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn tới hết tháng 5/2017 cũng bị nợ trên 1.653 tỷ đồng…
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện ngân sách nhà nước vẫn nợ Quỹ Bảo hiểm Xã hội hơn 22.000 tỷ đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 (không tính các khoản đã chuyển thành trái phiếu). Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép chuyển số nợ trên sang trái phiếu trong 3 năm tới. Tuy nhiên, cách làm trên sẽ làm tăng trần nợ công của Chính phủ.
Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho rằng, đáng lo ngại hiện nay là nợ của chính quyền địa phương. Tuy nợ địa phương hiện chưa lớn, chỉ bằng 0,9% GDP năm 2015 (vay trong nước hơn 73,6 nghìn tỷ đồng), nhưng theo bà Quyên, tình hình căng thẳng hơn cả nợ của cấp trung ương.
Chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ cho rằng, nợ công hiện chưa tính tới các khoản nợ Chính phủ có thể phải đứng ra trả thay nếu có rủi ro, như nợ của doanh nghiệp nhà nước, hay khoản ngân sách nợ bảo hiểm xã hội... “Nếu tính các nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ thì nợ công đã vượt trần, thậm chí còn lớn hơn trần rất nhiều”, ông Hồ nói. Ông dẫn chứng, như trường hợp của Vinashin trước đây Chính phủ cũng phải đứng ra xử lý; hay hơn 70 dự án doanh nghiệp nhà nước đầu tư đang thua lỗ lớn hiện nay, nếu các doanh nghiệp không trả nợ được thì Chính phủ cũng phải “ra mặt”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỷ lệ nợ công vẫn tăng rất nhanh. Theo đó, nợ công 5 năm qua tăng trung bình 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi chi thường xuyên cao khiến ngân sách nhà nước luôn căng thẳng. “Số liệu nợ công tính theo luật đã sát trần cho phép, nhưng nếu tính đủ đã vượt trần, như thêm nợ bảo hiểm xã hội, nợ xây dựng cơ bản, vốn ứng trước…Tôi nghe chuyên gia cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi. Chúng ta cần xem xét vấn đề nới trần nợ công, nhưng phải có phương án sử dụng hiệu quả, tiếp tục thế này nợ công chắc chắn khó khăn”, Thủ tướng nói tại Hội nghị tổng kết năm 2016 của ngành Tài chính. |
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)