Dự thảo Luật Quản lý nợ công vẫn có ít nhất 3 điều quy định về sự tham gia của 3 bộ trong quản lý nợ công. Cách quản lý trên theo đại diện Kiểm toán Nhà nước là phân tán và dẫn tới một loạt vấn đề khác như số liệu nợ công thiếu đối chứng, thông tin, báo cáo chậm,…
Nợ công lệch cả chục nghìn tỷ đồng
Trong hội nghị lấy ý kiến về Luật Quản lý nợ công sửa đổi tổ chức sáng 19/7, ông Vũ Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn chỉ ra thực tế, việc quản lý, hạch toán nợ công hiện đang phân tán trong đó số liệu báo cáo chủ yếu tổng hợp và thiếu sự đối chiếu.
Ông Tuấn dẫn kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 và cho rằng, Kiểm toán Nhà nước đã xác định nợ công giảm tới hơn 51.000 tỷ đồng so với số báo cáo của Chính phủ.
Theo đại diện ngành kiểm toán, danh mục nợ công phù hợp với Luật Quản lý nợ công nhưng có thể chưa đầy đủ các khoản nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương.
Ông đề nghị cân nhắc giao Bộ Tài chính làm đầu mối, chủ trì các vấn đề về nợ công, các cơ quan khác giữ vai trò phối hợp.
Theo ông Tuấn, hiện tại, dự thảo Luật Quản lý nợ công vẫn phân tán khi điều 19 của dự thảo có nêu Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công.
Trong khi ấy, điều 20 của dự thảo lại quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung. Ngoài ra, điều 21 tại nêu việc giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ,…
Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho rằng những quy định trên vẫn phân tán và điều này dẫn tới những tồn tại được nêu phía trên khó được khắc phục.
Ông khẳng định, để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững thì phải đảm bảo tập trung thống nhất trong quản lý nợ công nhằm sớm khắc phục tình trạng “quản lý đầu tư công, nợ công chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn.”
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh việc nên giao cho một đầu mối là Bộ Tài chính và đưa thẳng vào luật để xác định trách nhiệm chung. Ngoài ra, việc phối hợp giữa Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan khác ra sao theo ông nên để văn bản dưới luật.
Tính sao với nợ doanh nghiệp Nhà nước?
Ở hướng khác, nợ của doanh nghiệp Nhà nước có tính vào nợ công hay không là vấn đề nóng được nói tới nhiều trước đó. Lần này, dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi tiếp tục quy định: Nợ công không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước.
Thay mặt ngành kiểm toán, ông Vũ Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định này. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, việc không trả được nợ nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước có thể ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay.
Do đó, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho rằng có thể nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan quản lý phải tổng hợp, giám sát quản lý rủi ro và được xem xét khi đánh giá các chỉ tiêu an toàn nợ quốc gia.
Đây là vấn đề được ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh lại. Với những khoản trên, ông lưu ý “không đưa vào nợ công nhưng phải có cơ chế quản lý ra sao cho hiệu quả, nếu không vỡ ra thì rất mệt mỏi.”
Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cảnh báo thêm việc phải kiểm soát danh mục nợ công bởi theo ông đây là vấn đề “cực kỳ quan trọng, không quản lý được thì vay mượn có khi không hiệu quả.”
Nói cụ thể hơn, ông Ngô Minh Kiểm, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho rằng, dự thảo nên cần nhắc quy định: “Nợ công không bao gồm nợ của đơn vị sự nghiệp công lập, các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.”
Ông giải thích, các đơn vị này không giống doanh nghiệp là cho phá sản. Khi các đơn vị sự nghiệp công lập không trả được nợ thì chính Nhà nước sẽ phải gánh thay. Chưa kể, nếu một số quỹ như Quỹ bảo hiểm xã hội mất khả năng chi trả sẽ dẫn tới nhiều bất ổn trong xã hội.
Ông Kiểm cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung một số khoản nợ phải trả vào nợ công như nợ xây dựng cơ bản, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng. Ông khẳng định, đây là những khoản nợ mà ngân sách phải bố trí nguồn để trả.
Đại diện ngành kiểm toán cũng đánh giá, việc không tính vào nợ công những khoản trên sẽ dẫn tới rủi ro, khó kiểm soát trong quá trình quản lý nợ công và điều hành ngân sách Nhà nước.
“Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong những năm qua cho thấy nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán với giá trị lớn so với quy mô ngân sách của những đơn vị này,” đại diện Kiểm toán Nhà nước lên tiếng./.
Theo Xuân Dũng (Vietnam+)