Lời hứa tăng vốn 5.000 tỷ
Ngân hàng Nam Á (NamABank) vừa công bố kết quả cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2019 (ĐHĐCĐ) với nhiều kế hoạch khá ấn tượng. Theo đó, đại hội NamABank thống nhất chia cổ tức với tỷ lệ 16% nhờ lợi nhuận 2018 tăng gần 150% lên trên 740 tỷ đồng.
NamABank cũng thông qua kế hoạch phát triển mạng lưới, lợi nhuận 800 tỷ đồng trong năm 2019 và kế hoạch niêm yết toàn bộ cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng như quyết tâm nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng ngay trong năm nay.
Với nhiều nhà đầu tư thì những thông tin này không có gì mới mẻ, trong khi vấn đề quan trọng nhất là tình hình nhân sự chủ chốt, cơ cấu cổ đông và một cuộc chiến quyền lực tại ngân hàng này đã không được nhắc đến. Một cuộc chiến mà chồng đại gia Tư Hường giữa tháng 3 đã phải tổ chức họp báo tố con trai thứ chiếm giữ NamABank và tài sản chung của vợ chồng ông ước tính lên tới 30 ngàn tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ ngày 23/3/2019 vừa qua, trong đoàn chủ tọa không có mặt của chủ tịch Nguyễn Quốc Toàn (con trai lớn nhà cố lão bà doanh nhân Tư Hường - Trần Thị Hường). Em trai ông Toàn là ông Nguyễn Quốc Mỹ cũng không có mặt trong đoàn chủ tọa. Thay vào đó, ông Phan Đình Tân, phó chủ tịch NamABank là chủ tọa đoàn.
Trước đó, NamABank đã nhiều lần đưa ra kế hoạch tăng vốn nhưng phần lớn đều bất thành, hoặc thực hiện được một phần rất nhỏ theo kế hoạch đề ra.
Kế hoạch lên sàn cũng rất hấp dẫn các nhà đầu tư nhưng thực tế đây là điều mà NamABank đã đề ra nhiều lần nhưng không thực hiện được. Trong năm 2018, NamABank đã có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn UPCOM. Hồi tháng 10/2018, NamABank thậm chí còn tạm dừng thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng này để chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch hơn 335 triệu cổ phần trên UPCOM. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hoãn lại.
Đầu 2015, NamABank cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 4 ngàn tỷ đồng và hoàn tất các thủ tục hồ sơ để niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2015. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả mới chỉ dừng lại ở kế hoạch.
Cũng trong năm 2018, NamABank đã trình cổ đông phương án tăng vốn lên 5 ngàn tỷ đồng đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu phổ thông mới. Tuy nhiên, ngân hàng mới chỉ thực hiện được một phần tăng vốn từ 3.021 tỷ đồng lên 3.353 tỷ đồng bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Quy mô NamABank gần như dậm chân tại chỗ trong khi hàng loạt ngân hàng khác đã có những bước tăng vốn mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Có ngân hàng tăng vốn gấp vài ba lần trong một thời gian ngắn đưa vốn điều lệ lên hàng chục ngàn tỷ đồng trong một cuộc đua để trụ lại trong shortlist khoảng 15 NHCP tại Việt Nam theo dự tính của NHNN.
Một vấn đề nhức nhối khác tại NamABank trong nhiều năm và gần đây được NHNN đẩy mạnh xử lý, “dẹp loạn” chính là tình trạng sở hữu chéo của nhóm cổ đông NamABank và Eximbank (EIB).
Mặc dù quy mô khá nhỏ so với Eximbank nhưng trong một thời gian dài có thông tin cho thấy NamABank có ý định sáp nhập Eximbank. Giữa năm 2016, NHNN đã yêu cầu hoãn tổ chức ĐHĐCĐ bất thường Eximbank để tìm giải pháp để xử lý những xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông.
Theo đó, vấn đề tại Eximbank không vướng phải những về tài chính mà là sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn. Dù không nêu rõ, nhưng theo HSC khi đó, vấn đề ở đây là nhóm cổ đông đồng thời sở hữu NamABank và Eximbank. Sự xuất hiện của đại diện từng liên quan đến NamABank với hơn 20% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank khi đó là một bất ngờ lớn.
Dấu hỏi minh bạch thông tin
Tỷ lệ sở hữu nhất là liên quan đến gia đình bà Tư Hường cũng là một vấn đề tại NamABank. Trong báo cáo 2015, gia đình bà Tư Hường vẫn nắm cổ phiếu chi phối. Khi đó, ông Nguyễn Quốc Mỹ nắm 12,9 triệu cổ phiếu NamABank, tương đương 4,28% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai cả bà Tư Hường, chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý) nắm giữ 5% cổ phần NamABank. Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương - một DN của ông gia đình ông Toàn - nắm giữ gần 14,2% cổ phần của Ngân hàng Nam Á.
Ông Nguyễn Chấn (cha ông Toàn) nắm giữ 2,46 triệu (0,82%), trong khi bà Trần Thị Hường (cố vấn HĐQT) nắm 1,42 triệu (0,47%). Hai em gái ông Toàn cũng nắm giữ cổ phiếu NamABank. Bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc nắm giữ 1,13 triệu (0,38%), còn Nguyễn Thị Xuân Loan nắm 1,96 triệu (0,654%). Ông Phan Đình Tân (Phó chủ tịch NamABank) nắm 8,6 triệu cổ phiếu, tương đương 2,84% cổ phần.
Tổng cộng nhà bà Tư Hường nắm giữ khoảng 24% cổ phần NamABank.
Tuy nhiên, đó cũng là năm cuối cùng báo cáo quản trị chi tiết về tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông nội bộ cũng như cổ đông lớn của NamABank được công bố công khai trên trang web.
Tình trạng công bố thông tin là một vấn đề đáng lưu ý trong hoạt động của ngân hàng này. Trong 3 năm qua 2016-2018, NamABank không công khai thông tin tình trạng sở hữu. Đây cũng là khoảng thời gian ngân hàng này có rất nhiều biến động về nhân sự.
2015 là năm mà trong suốt 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai cả bà Tư Hường) không họp Hội đồng quản trị, cho dù khi đó vẫn đang giữ chức chủ tịch. Năm 2016, vị trí chủ tịch bất ngờ được chuyển cho ông Phan Đình Tân. Sang năm 2017, 2018 và 2019, ông Toàn lại nắm chức vụ chủ tịch, nhưng sự hiện diện của ông Toàn không rõ ràng, giống như cuộc họp ĐHĐCĐ 29/3/2019 vừa qua ông đã không có trong đoàn chủ tọa cho dù vẫn là chủ tịch và ký một số tài liệu.
Trước đó, khoảng đầu năm 2015, NamABank thậm chí còn chậm báo cáo tài chính, không công khai các Báo cáo tài chính năm 2014 của mình lên website, trong khi kết quả kinh doanh “vượt kế hoạch” được nhà băng này đưa rầm rộ trên báo chí.
NamABank trong vài năm gần đây có nhiều thay đổi, trong đó có những thay đổi liên quan tới các chức danh lãnh đạo cao cấp. Riêng trong năm 2015, ngân hàng này đã thay cả 2 chức danh quan quan trọng nhất là TGĐ và chủ tịch HĐQT. Đầu 2018, NamABank cũng đã thay TGĐ mới là ông Trần Ngọc Tâm cũng đã thay cho bà Lương Cẩm Tú.
Chức vụ chủ tịch cũng đã thay đổi nhiều lần. Tuy nhiên, có một điểm không đổi là quyền lực của gia đình bà Tư Hường tại ngân hàng này, chỉ là chức vụ và cổ phần đổi từ người này sang người khác.
Trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng, hàng loạt biến động cơ cấu sở hữu đã diễn ra cho thấy những chuyển động ngầm đang diễn ra dữ dội. Tại NamABank, từ đầu 2014 cho đến nay, sự xáo trộn nhân sự diễn ra rất mạnh. Vấn đề sở hữu chéo, sân sau,... có thể đã tạm lắng nhưng vẫn còn đó tình trạng kém minh bạch và sự xáo động trong một ngân hàng có hơi hướng gia đình trị.
Theo H. Tú (VietNamNet)