Vụ mất 30 ngàn tỷ: Tài sản khổng lồ, quyền lực phân chia nhà bà Tư Hường

20/03/2019 15:46:01

Sau nhiều thập kỷ kinh doanh, cố doanh nhân Trần Thị Hường (Tư Hường) để lại khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên, gia đình mẹ chồng Á hậu Thiên Lý tại NamABank đã có nhiều năm sóng gió, liên tục thay đổi quyền lực.

NamABank và đế chế Hoàn Cầu

Năm 2008, giới showbiz Việt rúng động với việc cố doanh nhân Tư Hường và tập đoàn Hoàn Cầu đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ về tổ chức tại Nha Trang. Để chuẩn bị cho cuộc thi, bà Hường đã gấp rút thi công khu Diamond Bay Resort. Tổng chi phí cho sự kiện này khoảng 65 triệu USD, bao gồm chi phí xây dựng, chi phí tổ chức sự kiện,...

Bà Trần Thị Hường (Tư Hường), sinh năm 1936, là nữ doanh nhân thế hệ đầu tại Việt Nam. Bà là người Bình Định. Bà đứng đầu "đế chế" bất động sản Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á (NamABank). Năm 2017, bà Tư Hường qua đời ở tuổi 82.

Bà Tư Hường được biết đến là một doanh nhân có sức làm việc phi thường. Suốt thập kỷ ở tuổi “xưa nay hiếm”, bà vẫn say mê làm việc. Đây cũng là khoảng thời gian bà đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ về Việt Nam và mời Lady Gaga lần đầu tiên đến Việt Nam biểu diễn. Cùng với sự kiện Hoa hậu Hoàn vũ là sự ra đời của khu resort Diamond Bay nổi tiếng ở Nha Trang. 

Vụ mất 30 ngàn tỷ: Tài sản khổng lồ, quyền lực phân chia nhà bà Tư Hường
Ông Nguyễn Quốc Toàn và vợ á hậu Dương Trương Thiên Lý.

Gần một thập kỷ ở tuổi thất thập, bà Tư Hường miệt mài với nghiệp kinh doanh và tạo ra mạng lưới Hoàn Cầu trên khắp cả nước. Các con của bà, trai gái, dâu rể đều là những nhà lãnh đạo trọng mạng lưới doanh nghiệp do bà gây dựng.

Bà Tư Hường là chủ tịch HĐQT và là người gây dựng lên Tập đoàn Hoàn Cầu. Đây là một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề được thành lập vào năm 1993, với hơn 30 công ty thành viên trên khắp cả nước, có vị thế trong nước và quốc tế.

Tập đoàn Hoàn Cầu hoạt động trong các lĩnh vực: bất động sản, du lịch khách sạn, tài chính ngân hàng, truyền thông quảng cáo, giáo dục với nhiều dự án nổi tiếng như: khu căn hộ cao cấp Cantavil Hoàn Cầu, Nhà hát Crown Convention, Diamond Bay Golf & Villas, Diamond Bay Resort & Spa, Diamond Bay Condotel Resort,... 

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á - NamABank (NAB) cũng là một đế chế thuộc nhà bà Tư Hường. Năm 2007, bà Tư Hường nắm giữ 13,09% cổ phần NAB; Nguyễn Chấn (chồng bà Tư Hường) nắm giữ 5,14% và con trai thứ Nguyễn Quốc Mỹ nắm 7,31%.

Vụ mất 30 ngàn tỷ: Tài sản khổng lồ, quyền lực phân chia nhà bà Tư Hường - 1
Bà Tư Hường và cuộc thi sắc đẹp toàn cầu.

Tới 2010, vị thế của nhà bà Tư Hường tại NamABank còn lớn hơn. Khi đó, riêng bà Tư Hường nắm 17,57 triệu cổ phiếu NAB (tương đương 14,03%) và là cổ đông lớn nhất; Nguyễn Quốc Mỹ 9,83 triệu cổ phiếu (7,85%); Nguyễn Chấn 6,43 triệu (5,13%); và 1 người gắn bó lâu dài với nhà bà Tư Hường là ông Phan Đình Tân nắm gữi hơn 7,1 triệu (5,67%).

Từ 2012, trong cơ cấu cổ đông của NamABank xuất hiện thêm con trai lớn nhà ông bà Hường - Chấn, đó là ông Nguyễn Quốc Toàn. Ông Toàn nắm giữ gần 6,6 triệu cổ phần NAB (2,19%) và giữ chức chủ tịch NamABank. Á hậu Dương Trương Thiên Lý (vợ ông Toàn) năm 2012 sở hữu 4,92% cổ phần NAB, nhưng tới 2013 không còn tên trong danh sách.

Tới 2015, trong cơ cấu cổ đông của NamABank xuất hiện một cổ đông tổ chức: Công ty THNN Rồng Thái Bình Dương - một DN của gia đình bà Tư Hường - nắm giữ 42,77 triệu cổ phiếu NAB (14,26%). Ông Nguyễn Quốc Toàn nắm giữ 15 triệu cổ phiếu (5%). Trong khi đó, bà Tư Hường giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,42 triệu cổ phiếu (0,47%); ông Nguyễn Chấn còn 2,46 triệu cổ phiếu (0,82%); Nguyễn Quốc Mỹ 12,93 triệu cổ phiếu (4,31%), hai con gái là: Nguyễn Xuân Loan 1,96 triệu (0,65%), Nguyễn Thị Xuân Ngọc 1,127 triệu (0,38%). 

Vụ mất 30 ngàn tỷ: Tài sản khổng lồ, quyền lực phân chia nhà bà Tư Hường - 2
Cơ cấu cổ đông NamABank 2007.
Vụ mất 30 ngàn tỷ: Tài sản khổng lồ, quyền lực phân chia nhà bà Tư Hường - 3
Cơ cấu cổ đông NamABank 2009.

Hiện nay, NamABank là ngân hàng thuộc dạng nhỏ tính theo vốn điều lệ và thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc theo đề án của Ngân hàng Nhà nước. Trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng, hàng loạt biến động cơ cấu sở hữu đã diễn ra cho thấy những chuyển động ngầm đang diễn ra dữ dội tại NamABank.

Có thể thấy từ đầu 2014 cho đến nay, hàng loạt thay đổi cũng đã diễn ra tại NamABank liên quan đến các vấn đề xử lý nợ xấu BĐS, sở hữu chéo... Tuy nhiên, có 1 điều đáng nói là dù là ngân hàng đại chúng, đang tái cơ cấu nhưng NamABank lại thuộc số ít các ngân hàng rất ít công bố thông tin đúng các quy định... điều này khiến cho nhưng lo lắng về kém minh bạch thông tin và nhiều câu hỏi được đặt ra là sau quá trịnh xáo động liên tục đảo qua lại giữa các người con bà Tư Hường, các nhóm cổ đông thân tín thì dấu vết 'gia đình trị' của nhà Tư Hường hiện như thế nào tại đây.

Hơn thế, thi trường cũng đang rất quan tâm đến tiến độ tái cơ cấu NamABank khi được biết đây là 1 trong những ngân hàng cuối cùng buộc phải xử lý. Bởi vì, ngay cả những thay đổi quan trọng hay có số cơ bản về kết quả kinh doanh trong nhiều năm trước đây đều ở dạng 'sương mờ'.

Con đường sự nghiệp tỷ USD của bà Tư Hường

Vài năm gần đây, NamABank có nhiều thay đổi do đang trong quá trình tái cấu trúc. Dàn lãnh đạo cao cấp tại ngân hàng này cũng thay đổi liên tục. Riêng trong năm 2015, ngân hàng này đã thay cả hai chức danh quan quan trọng nhất là TGĐ và chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, có một điểm không đổi là quyền lực của gia đình bà Tư Hường tại đây. Khi còn sống, bà Tư Hường luôn là cố vấn cấp cao của NamABank. Các vị trí chủ chốt trong ngân hàng đều thuộc về các thành viên trong gia đình và những người có quan hệ mật thiết với nữ doanh nhân này.

Mặc dù là chủ của hai đế chế hàng đầu trong lĩnh vực tài chính và bất động sản, nhưng bà Tư Hường không phải là con nhà nòi, không xuất thân từ gia đình kinh doanh. Bà Tư Hường từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với báo chí rằng: bà lớn lên trong khó khăn, mới học hết lớp 5, từng làm người ở, học may, bán hàng,...

Cái duyên kinh doanh bắt đầu bén và gắn với cuộc đời bà từ những năm 80 với việc buôn bán thủy sản, trầm hương, gỗ,... Đầu những năm 90, bà thành doanh nghiệp và làm ăn phát đạt với ngành gỗ. 

Vụ mất 30 ngàn tỷ: Tài sản khổng lồ, quyền lực phân chia nhà bà Tư Hường - 4
Cơ cấu cổ đông NamABank cuối 2014 đầu 2015.

Sự nghiệp kinh doanh của bà Tư Hường bứt phá với một loạt các quyết định đầu tư xây dựng nhà máy đồ uống nước giải khát,... rồi sau đó bán cho các tập đoàn lớn trên thế giới vào thời điểm khi mà nền kinh tế Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới đầu những năm 90 và các nhà đầu tư nước ngoại rất ngại các thủ tục hành chính rườm rà, chỉ muốn mua lại các DN trong nước.

Lão bà doanh nhân này rất nổi tiếng trên thị trường với hàng loạt vụ kinh doanh kiếm tiền khổng lồ, điển hình làcác vụ đầu tư xây nhà máy rồi bán như Bia Khánh Hòa (bán cho San Miguel), Nhà máy Sài Gòn Cola (bán cho Coca Cola), Nhà máy nước tăng lực Lipovitan. Mỗi thương vụ bà đều lãi vài triệu đô nhờ nắm bắt được xu thế, thời cuộc.

Tập đoàn Hoàn Cầu ra đời sau đó (1993) tập trung vào lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng - đánh dấu bước tấn công mạnh mẽ của bà Tư Hường vào lĩnh vực bất động sản. 

Vụ mất 30 ngàn tỷ: Tài sản khổng lồ, quyền lực phân chia nhà bà Tư Hường - 5
Nhiều người trong gia đình bà Tư Hường trải qua vị trí lãnh đạo NamABank.

Năm 2010, Tập đoàn Hoàn Cầu ký kết hợp tác với Tập Đoàn Deawoo (Hàn Quốc) thành lập Công ty TNHH liên doanh phát triển nhà Daewon - Hoàn Cầu, xây dựng dự án chung cư cao cấp Cantavil Hoàn Cầu.

Hoàn Cầu cũng đầu tư Quần thể nghỉ dưỡng Quốc Tế Diamond Bay City, TTTM và Khách sạn Hoàn Cầu - 20 Trần Phú-Nha Trang. Ngoài ra, tập đoàn này còn triển khai 10 dự án khác tại Nha Trang với quỹ đất lên tới 1.600 hécta.

Năm 2013, Hoàn Cầu Group trở thành chủ sở hữu Trường Đại Học Quang Trung Quy Nhơn và đồng sở hữu Đà Lạt Palace Golf Club, khách sạn Đà Lạt Palace, Du Parc Palace. Đồng thời thành lập Công ty TNHH Hoàn Cầu Ninh Hòa, Công ty TNHH Hoàn Cầu Ninh Long, Công ty TNHH Hoàn Cầu Đà Lạt.

Theo M.Hà (VietNamNet)