Thế Anh (30 tuổi) là một nhà đầu tư chứng khoán theo trường phái kỹ thuật. Một buổi chiều cuối tháng 3, tại quán cà phê trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội), anh ngồi xem màn hình laptop chằng chịt những đường chỉ báo xanh đỏ. Anh không khỏi vui mừng khi nhẩm tính đã lãi gần 60% trong quý đầu tiên.
Tuy nhiên, 9 tháng sau, cũng ở quán cà phê ấy, khỏi cần nhìn vào màn hình, Thế Anh cũng biết toàn bộ lợi nhuận kiếm được trong 3 tháng đầu năm và thêm cả 15% tiền gốc đã "bốc hơi".
"10 năm để thị trường chứng khoán vượt qua mốc lịch sử năm 2007, nhưng cũng là lần đầu trong 10 năm ấy, thị trường chứng kiến sự biến động khốc liệt đến như vậy", Thế Anh chia sẻ khi nói đến những gì trải qua năm 2018.
Cú lao dốc của VN-Index từ 'đỉnh' xuống 'đáy'
Tăng 48% trong năm 2017, VN-Index được xếp trong nhóm những chỉ số có mức tăng ấn tượng nhất thế giới. "Câu chuyện thần kỳ" của chứng khoán được những thành viên thị trường kỳ vọng sẽ được viết tiếp trong năm 2018. Những báo cáo đánh giá về triển vọng thị trường, vì thế, cũng nghiêng về các kịch bản VN-Index có thể tiếp tục tăng trưởng hai chữ số để đạt 1.120 rồi thậm chí 1.250 điểm.
Và thị trường chỉ mất chưa tới 2 tháng để chứng tỏ những dự báo này không phải không có căn cứ. Lần lượt những mốc quan trọng như 1.000 điểm, 1.100 điểm được vượt qua. Liên tiếp trong tháng 2 và tháng 3, Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có mức tăng mạnh nhất thế giới, đứng trên Brazil, Nga, Argentina và gấp gần 3 lần mức tăng của chỉ số Nasdaq (Mỹ).
Bài viết của Bloomberg cùng thời gian này đặt tựa đề "Việt Nam giành lại vương miện chứng khoán châu Á" để nhấn mạnh về sự trở lại của kênh đầu tư này. Theo hãng tin này, chỉ vài tuần ảnh hưởng bởi đợt bán tháo trên thị trường thế giới đã khiến Việt Nam tuột khỏi vị trí đứng đầu châu Á. Tuy nhiên sự bi quan không kéo dài lâu và chứng khoán Việt Nam đã trở lại. "Đây có thể mới chỉ là sự khởi đầu", hãng tin này đánh giá khi đó.
Ngay sau khi củng cố vùng giá 1.100 điểm, VN-Index tiếp tục tiến lên 1.150 điểm và đến cuối tháng 3, lần đầu tiên trong hơn 10 năm, chỉ số này tái lập mức cao nhất trước đợt khủng hoảng kinh tế 2007 - 1.171 điểm. Chưa đầy nửa tháng sau đó, ngày 9/4, mức kỷ lục mới với VN-Index được xác lập tại 1.204 điểm - con số cao nhất của chỉ số này trong gần hai thập kỷ kể từ ngày được "khai sinh".
Tuy nhiên, việc "tăng nóng" của chỉ số cùng mức định giá cổ phiếu trở nên đắt đỏ là những vết nứt lộ ra trong hình thái có vẻ ổn định của thị trường. Cộng thêm những bất ổn từ thị trường quốc tế như chiến tranh thương mại leo thang, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất khiến dòng chảy vốn xoay chiều, đồng bạc xanh tăng giá, cho tới những bất ổn trên thị trường hàng hoá, đặc biệt là dầu thô đã xoay chiều tất cả những dự báo trước đó.
Những rủi ro hệ thống đã khiến "con tàu" VN-Index dần đi chệch khỏi "đường ray" được đưa ra từ đầu năm.
Xu hướng một chiều đi lên được thay bằng trạng thái giằng co với những phiên tăng giảm đan xen trong biên độ cao, nhưng giảm vẫn là xu hướng chính. Bất chấp những thương vụ bán vốn, IPO tỷ đô, những kỷ lục mới về thanh khoản như phiên giao dịch hơn 35.000 tỷ đồng khi cổ phiếu VHM của Vinhomes lên sàn đầu tháng 5, VN-Index vẫn lầm lũi đi xuống.
Từ chỉ số tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương trong 3 tháng đầu năm, mọi nỗ lực của chứng khoán Việt Nam đã bị xóa sạch chỉ 3 tháng sau đó. VN-Index trở thành chỉ số giảm sâu nhất từ mức đỉnh so với các thị trường trong khu vực. Mức giảm gần 18% trong 3 tháng quý II cũng đánh dấu giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường kể từ quý IV/2008.
Những góc nhìn tích cực hồi đầu năm, dần được thay thế bằng những khuyến nghị đầu tư mang tính thận trọng hơn, đồng thời những dự báo trước đó cũng lần lượt được thay đổi.
Bloomberg trong bài viết cuối tháng 7 đã bình luận: "Bất cứ ai đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày này phải có dây thần kinh thép". Nhận định xuất phát từ trạng thái bất ổn của thị trường chỉ sau hơn ba tháng lao dốc từ mức đỉnh.
Sự sụt giảm, không chỉ kéo theo sự thua lỗ của không ít nhà đầu tư, mà còn bào mòn tính kiên nhẫn của những thành viên thị trường. Nhiều nhà đầu tư sau nỗ lực bắt đáy liên tục không thành đã chuyển sang trạng thái "đóng băng" tài khoản, đứng ngoài thị trường. Từ những phiên giao dịch 9.000-10.000 tỷ trong những tháng đầu năm, chỉ cần thanh khoản một nửa con số này đã trở thành điều "xa xỉ" trong giai đoạn sụt giảm.
Thậm chí ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư lớn trên thị trường cũng lao đao với đợt sụt giảm. Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại lớn nhất đang hoạt động giảm 13% về giá trị tài sản ròng, tính đến cuối tháng 11. Còn trước đó, những cái tên từng "ăn nên làm ra" trong năm 2017 cũng đều chìm trong sắc đỏ trong nửa đầu năm 2018.
"Chống lại thị trường trong một xu hướng giảm ư? Đó là điều quá khó. Vẫn có những người thành công, nhưng phần đông là chịu cảnh thua lỗ", Thế Anh nói và cho rằng để bảo toàn lợi nhuận, cách duy nhất là đừng ngoài thị trường. Nhưng với những người coi bảng điện như một phần của cuộc sống, giống nhà đầu tư này, đó là điều không dễ thực hiện.
Mất mốc 1.100 điểm, giằng co quanh mốc 1.000 điểm rồi lao dốc xuống những mốc hỗ trợ thấp hơn, thậm chí có thời điểm rớt khỏi mốc 900 điểm là diễn biến những tháng sau đó của VN-Index.
"Thị trường đã chạm đáy?", "Đã đến lúc tham lam?" hay "Cơ hội phục hồi trở lại" là những tiêu đề trong báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán mỗi khi một ngưỡng hỗ trợ mạnh bị phá vỡ. Tuy nhiên, diễn biến thực tế đã chứng minh, việc bắt đáy trong một xu hướng giảm cũng giống như "bắt dao rơi".
Những cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 bị chiết khấu từ 20% đến 40% thị giá so với mức đỉnh đầu năm. Một loạt cổ phiếu nóng ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm hay dòng cổ phiếu bất động sản, dầu khí bị bán ra ồ ạt.
Đến những ngày cuối cùng của năm 2018, thay vì những mốc nghìn điểm trong dự báo hồi đầu năm, VN-Index thực tế đang giằng co quanh ngưỡng 900 điểm, không những xóa hết thành quả trong giai đoạn chỉ số này nắm "vương miện chứng khoán thế giới" mà đà giảm còn khiến VN-Index mất gần 10% so với thời điểm cuối năm 2017.
Màu nào cho thị trường trong năm 2019?
Các công ty chứng khoán, trong báo cáo triển vọng thị trường trong năm tới mới công bố đã không còn đưa ra những lời khẳng định "chắc nịch", thay vào đó là những câu hỏi còn bỏ ngỏ, những bình luận thận trọng hơn về sự dịch chuyển của thị trường.
Sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố có thể ảnh hướng tới thị trường, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) trong báo cáo triển vọng mới đây cho rằng các chỉ số chính sẽ dao động trong biên độ khá lớn. Trong đó VN-Index có khả năng dao động trong khoảng 300-350 điểm trên cơ sở các giả định: Động thái tăng lãi suất của FED nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2019; Mỹ và Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện ngay trong năm tới và kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đi cùng với việc kiểm soát tốt lạm phát và tỷ giá dù chịu nhiều áp lực hơn.
Ông Bernard Lapointe, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt trong lần trả lời Bloomberg mới đây cho biết ông lạc quan nhưng không quá mức về thị trường trong năm tới. Chuyên gia này kỳ vọng VN-Index chỉ ở trong khoảng 900 - 1.000 điểm đến hết năm sau.
Trong khi đó Michel Tosto, Giám đốc phụ trách Khách hàng tổ chức Công ty chứng khoán Bản Việt dự báo VN-Index có thể đạt 1.060 vào cuối năm, cao hơn 16% so với hiện tại.
Ngồi đọc xong một lèo những báo cáo phân tích trên, Thế Anh hiểu mình không được quên những "bài học sóng gió" đã trải qua trong năm 2018. "Mình sẽ không nhìn mọi thứ quá màu hồng, thận trọng hơn và tuyệt đối cẩn thận với những lời hô hào mua hay bán trên các diễn đàn, mạng xã hội", Thế Anh tự nhủ rồi đứng lên trả tiền cà phê và ra về.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)