Suốt phiên sáng, bảng điện tử chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ. VN-Index giảm 22,28 điểm (-2,45%) xuống 886,28 điểm. Có tới 258 mã giảm giá, chỉ có 34 mã tăng và 23 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,99% xuống 101,36 điểm với 115 mã giảm giá, 34 mã tăng giá; UPCoM-Index giảm 1,15% xuống 51,31 điểm.
Đáng chú ý, ROS là cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30-Index tăng 2,3% lên 42.650 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh 3,4 triệu cổ phiếu.
Áp lực bán tháo trên diện rộng, nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng tiếp tục kéo thị trường lao dốc mạnh. TPB dẫn đầu sự tiêu cực của nhóm ngân hàng với mức giảm 5%, theo sau là CTG, VPB, HDB… giảm trên 3%. Nhóm dầu khí ghi nhận PVD giảm 5,7%, GAS, OIL, BSR giảm gần 5%. Giá xăng dầu hôm nay tiếp tục giảm sau khi lao dốc tới hơn 6% xuống mức thấp nhất hơn một năm do thị trường lo ngại tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại.
Lý giải về nguyên nhân chứng khoán rớt mạnh, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đó là do FED tăng lãi suất và tâm lý bán tháo của nhà đầu tư.
Theo ông Hiếu, chứng khoán Việt Nam không có sự ổn định. Ngay từ đầu năm, chứng khoán Việt đã có sự chao đảo rất lớn. Năm 2017, chứng khoán tăng từ 700 lên 900 điểm, sang năm 2018 tiếp tục lên vượt lên mốc 1.000-1.200 điểm. Rồi từ đó bắt đầu xuống rất nhanh. Thời gian gần đây còn cố gắng ở quanh mốc 900 điểm, nay cũng đã rời khỏi mốc này.
Điều đó chứng tỏ Việt Nam không ổn định và phụ thuộc rất nhiều vào dòng vốn ngoại. Nhà đầu tư ngoại có 2 thị trường là truyền thống như NewYork, Tokyo… khi chứng khoán ở các thị trường lớn này có biến động thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của các nhà đầu tư ở thị trường mới nổi.
Việt Nam là thị trường cận biên với thị trường mới nổi, nhà đầu tư nước ngoài ra vào rất nhanh để chốt lời chứ không đầu tư lâu dài, ổn định. Chính vì thế, khi thị trường chứng khoán truyền thống mất điểm, thì họ chuyển dòng tiền từ những thị trường như Việt Nam về thị trường truyền thống.
Mặt khác, kinh tế vĩ mô của Việt nam tuy ổn định nhưng lệ thuộc vào kinh tế thế giới. Những quyết định của Tổng thống Mỹ Donala Trump rút quân khỏi Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức… cũng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Mỹ, và cũng ảnh hưởng đến Việt Nam.
“Chúng ta hội nhập kinh tế thế giới rất sâu, nhưng càng hội nhập thì càng lệ thuộc vào những biến động trên thế giới. Đây cũng chính là nguyên nhân mà chứng khoán Việt rơi khỏi mốc 900 điểm mà chúng ta đang phấn đấu” – TS Hiếu nhìn nhận.
Ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành của VinaCapital khuyến cáo, trong thời điểm này, nhà đầu tư Việt không nên bán tháo theo nhà đầu tư ngoại mà phải bình tĩnh, quan sát thị trường. Vì khi chứng khoán tăng điểm trở lại thì mình đã chốt lỗ, làm sao có thể mua được. Thanh khoản ở thị trường phát triển như Việt Nam thì chỉ đi theo 1 chiều thôi. Khi thị trường phục hồi lại thì giá trị tài sản của nhà đầu tư cũng sẽ phục hồi lại thôi. “Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên chọn những công ty có chất lượng tốt, uy tín. Hãy đầu tư chứ đừng đầu cơ, vì như vậy dễ “mất cả chì lẫn chài” – ông Andy Ho tư vấn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tâm lý nhà đầu tư đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ những diễn biến xấu của thị trường chứng khoán thế giới. Dow Jones giảm 653,17 điểm, tương đương 2,91%, xuống 21.792,2 điểm. S&P 500 mất 65,52 điểm, tương đương 2,71%, xuống 2.351,1 điểm, thấp nhất kể từ tháng 4/2017. Nasdaq giảm 140,08 điểm, tương đương 2,21%, xuống 6.192,92 điểm.
Tương tự, chỉ số Nikkei 225 giảm 4,2% xuống 19.310,90 điểm vào lúc 10h ngày 25/12 (giờ Tokyo). Đây là lần đầu tiên chỉ số này mất mốc 20.000 kể từ tháng 9/2017. Nikkei 225 đang hướng về vùng giá xuống, đã mất hơn 16% so với đỉnh hôm 2/10. Trước đó vài ngày, chỉ số Topix đã rơi vào vùng thị trường giá xuống.
Theo Uyên Phương (Tiền Phong)