Năm 2016: Điều chỉnh giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo giá thị trường

30/12/2015 20:52:00

Giá các mặt hàng thiết yếu Nhà nước còn quản lý như điện, than, xăng dầu và giá các dịch vụ công sẽ tiếp tục điều chỉnh theo giá thị trường, không điều hành theo mệnh lệnh hành chính trong năm 2016.

Giá các mặt hàng thiết yếu Nhà nước còn quản lý như điện, than, xăng dầu và giá các dịch vụ công sẽ tiếp tục điều chỉnh theo giá thị trường, không điều hành theo mệnh lệnh hành chính trong năm 2016.
  
Đây là một trong nhiều nội dung chỉ đạo của hội nghị trực tuyến với các địa phương do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay (30.12). Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, năm 2015, bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đã thực hiện quản lý điều hành giá đối với các mặt hàng trọng yếu, thiết yếu như điện, than, xăng dầu, sữa; điều chỉnh giá dịch vụ công (học phí, viện phí…) theo cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Giá điện đã tăng 1 lần từ 1.508,85 đồng/kWh lên 1.622,01 đồng/kWh, tăng 113,16 đồng/kWh. Giá than bán cho tiêu dùng trong nước tăng 3 lần (tháng 4, 7 và 10), đảm bảo phù hợp cung cầu và bù đắp chi phí kinh doanh. Giá xăng dầu cũng được điều chỉnh 21 lần kết hợp với sử dụng Quỹ bình ổn giá. 785 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được công bố, kê khai…

Giá các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu và giá các dịch vụ công sẽ tiếp tục điều chỉnh theo giá thị trường trong năm 2016

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định: Công tác quản lý giá sẽ tiếp tục kiên định theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng như điện, than, xăng dầu, giá dịch vụ công... Năm tới, dịch vụ y tế, giáo dục sẽ chuyển sang cơ chế giá, do đó, những người làm công tác quản lý, điều hành giá phải theo sát diễn biến thị trường để chủ động các phương án, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo chủ trương của Chính phủ. Việc điều hành giá sẽ phải bằng các thông tin và đòn bẩy kinh tế, không phải bằng mệnh lệnh hành chính. Trường hợp điều chỉnh giá các mặt hàng nói trên sẽ phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát…

Riêng về giá dầu, Bộ Tài chính nhận định cần tính phương án giá dầu có khả năng xuống trên dưới 20 USD/thùng. Năm 2016 theo dự toán giá dầu là 60 USD/thùng nhưng nay giá dầu đang xuống rất thấp. Bộ Tài chính đã có các phương án tính toán điều hành giá dầu ở mức 55 USD/thùng, 50 USD/thùng, 45 USD/thùng, 40 USD/thùng và 35 USD/thùng. Nhưng đến nay theo lãnh đạo ngành Tài chính có thể phải tính thêm phương án giá dầu 30 USD/thùng, thậm chí xuống trên dưới 20 USD/thùng để điều hành. Việc giảm giá dầu gây khó trực tiếp với thu ngân sách nhưng Việt Nam sẽ có được thuận lợi trong điều hành giá cả, giá dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế.

Trước đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2015 dù khó khăn song tình hình tài chính ngân sách vẫn chuyển biến tốt. Năm 2015 theo dự toán, thu ngân sách Nhà nước phải đạt 911 nghìn tỷ đồng. Cả năm 2015 thu ngân sách ước đạt 973-976 nghìn tỷ đồng, tăng 62-65 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 13% so với số thực hiện năm 2014. Tính đến nay, 55 địa phương đã hoàn thành dự toán thu ngân sách, trong đó 36 địa phương vượt dự toán thu trên 10%. 8 địa phương có khả năng hụt thu nhưng số hụt thu không lớn. Bội chi ngân sách được điều hành trong phạm vi Quốc hội quyết định là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP.

Theo Mai Hương (Dân Việt)