Mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm cá tra Việt Nam vào Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần, lên tới 2,39 USD/kg, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra vào thị trường này có nguy cơ... “tiệt đường”
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ càng khó thêm nếu DOC áp mức thuế 2,39 USD/kg (Ảnh: IT) |
Khó càng thêm khó
Thực tế, thời gian gần đây, việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ ngày càng khó khăn, không chỉ do ảnh hưởng của Đạo luật Farmbill mà còn bởi nhiều yếu tố trong nước như: nguồn nguyên liệu hạn chế, giá nguyên liệu tăng cao... Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong tháng 8.2017 gặp nhiều khó khăn khi kim ngạch chỉ đạt 18,44 triệu USD, giảm hơn 58% (tương đương 26 triệu USD) so với tháng trước.
Chính vì vậy, việc DOC đưa ra quyết định áp thuế CBPG mặt hàng cá tra lên 2,39 USD/kg sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ.
Ngay khi DOC thông báo quyết định trên, nhiều DN cá tra Việt Nam cho biết có thể sẽ rút khỏi thị trường Mỹ vì không thể cạnh tranh nổi. Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã chứng khoán ABT) cho rằng, mức thuế lên tới 2,39 USD/kg là quá cao và DN sẽ không thể xuất khẩu bởi không thể cạnh tranh được. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) cũng cho biết, trước tình hình ngày càng khó khăn của thị trường Mỹ, VHC sẽ giảm dần tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Đặc biệt, theo báo cáo tình hình kinh doanh của các DN xuất khẩu cá tra được niêm yết trên thị trường chứng khoán, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ thời gian gần đây đang có xu hướng giảm. Tại Công ty CP Hùng Vương (mã chứng khoán HVG), thị phần xuất khẩu cá tra sang Mỹ của DN này chiếm khoảng 19% - 20%, được đóng góp từ công ty con Agifish (mã chứng khoán AGF). Tuy nhiên, do tình hình xuất khẩu sang Mỹ ngày càng khó khăn nên AGF cũng đã lên kế hoạch mở rộng thị trường mới, dịch chuyển xuất khẩu sang EU, giảm tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ...
Tương tự, tại VHC, nếu nửa đầu năm 2016 tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào khoảng 65% thì đến nửa đầu năm 2017 chỉ còn 59% và dự kiến trong quý 3.2017 này, thị trường Mỹ sẽ chỉ còn chiếm khoảng 50% doanh thu.
Liên quan đến quyết định sơ bộ của DOC tại đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), VASEP cho rằng, kết quả sơ bộ này thể hiện sự không công bằng, trái với các qui định về luật chống bán phá giá thông thường; đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các DN đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Mỹ. Nếu kết quả này vẫn được giữ nguyên ở kết luận cuối cùng của DOC (dự kiến DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ khi có kết luận sơ bộ), chắc chắn sẽ có nhiều DN không chịu được áp lực về thuế và sẽ buộc phải rời thị trường Mỹ.
Cổ phiếu thủy sản ra sao trước áp lực?
Thực tế, câu chuyện áp thuế CBPG của Mỹ với con cá tra Việt Nam là không mới, thế nên dù mức thuế mới của POR13 dự kiến tăng gấp 3 lần thì thông tin này cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá trị các mã cổ phiếu thủy sản trên thị trường.
Tại VHC, sau khi DOC công bố kết quả sơ bộ của POR13, VHC chỉ giảm nhẹ 200 đồng/CP, từ mức giá 46.000 đồng/CP về mức 45.800 đồng/CP, sau đó là chuỗi ngày VHC tăng giá mạnh và đến thời điểm hiện tại VHC đạt mức giá 50.500 đồng/CP. Sở dĩ việc áp thuế mới không ảnh hưởng nhiều đến VHC vì theo lý giải của bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc VHC thì, do nguyên liệu cá tra năm nay thiếu hụt, các thị trường mới phát triển khá tốt nên VHC không đẩy mạnh xuất khẩu nhiều sang Mỹ. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn sang Mỹ năm nay dự kiến cũng tăng 10%, đồng thời các thị trường khác như Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản... tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc dự kiến đạt mức tăng 50% trong năm nay.
Được biết, ước tính quý 3.2017, kim ngạch xuất khẩu của VHC đạt 74,2 triệu USD, trong đó kim ngạch tháng 7 đạt 27,7 triệu USD; tháng 8 đạt 22,4 triệu USD và tháng 9 ước đạt 24,1 triệu USD.
Trong khi đó, các mã cổ phiếu khác như: AGF (Thủy sản An Giang), ABT (Thủy sản Bến Tre), HVG (Thủy sản Hùng Vương)... cũng không ảnh hưởng nhiều bởi thông tin áp thuế mới của POR13 mà chủ yếu phụ thuộc vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017. Trong đó, ABT có 7 phiên liên tiếp liên tục giảm giá và đứng giá, từ mức giá 35.950 đồng/CP, hiện tại ABT được giao dịch ở mức 34.950 đồng/CP. Nguyên nhân là vì lũy kế 6 tháng đầu năm, ABT chỉ đạt doanh thu thuần 182 tỷ đồng (giảm so với mức 217,5 tỷ đồng cùng kỳ 2016), lợi nhuận sau thuế cũng chỉ còn 15 tỷ đồng (giảm so với mức 24,3 tỷ đồng cùng kỳ).
Riêng với HVG, giá cổ phiếu này hiện vẫn giao dịch quanh vùng giá 6.000 đồng/CP bởi tình hình kinh doanh của DN này chưa thấy được tín hiệu tốt. Chưa kể, tính đến 30.6.2017, tổng nợ tại HVG vẫn không giảm nhiều, chỉ giảm nhẹ về mức 12.731 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính hơn 8.147 tỷ, chiếm đến 64% tỷ trọng. Lũy kế 9 tháng đầu niên độ, HVG lại ngậm ngùi báo lỗ ròng 138 tỷ đồng. Cùng với đó, kế hoạch bán hàng tồn kho nhằm thu lãi lớn theo như kỳ vọng mà HVG đặt ra đến nay vẫn chưa thấy kết quả.
Tính đến 6 tháng đầu năm 2017, thị trường Trung Quốc tăng đến 46%, Mỹ giảm 5,7%, EU cũng giảm rất mạnh. Nhìn chung, thị trường Trung Quốc hiện chiếm khoảng 20,5% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam, thị trường Mỹ hiện chiếm 21%-22%, EU sụt xuống còn khoảng 12%. Với đà này, đến cuối năm 2017, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, có thể chiếm 25% thị phần; EU chỉ còn 10% hoặc thấp hơn... - Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vinapa) |
Theo Quốc Hải (Dân Việt)