Mỹ: Fed tăng lãi suất với mức cao nhất trong hơn 20 năm qua

05/05/2022 07:27:23

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ tăng lãi suất chủ chốt lên 0,5% trong bối cảnh nhiều nhà kinh tế lo ngại ngân hàng TW không thể ngăn chặn tình trạng giá tăng mà không gây ra suy thoái.

Mỹ: Fed tăng lãi suất với mức cao nhất trong hơn 20 năm qua
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản gấp hai lần quy mô của một đợt tăng lãi suất thông thường, trong bối cảnh cơ quan này "chạy nước rút" để vượt qua vấn đề lạm phát gia tăng tại Mỹ.

Cụ thể, Fed thông báo sẽ tăng lãi suất chủ chốt lên 0,5%, mức tăng lãi suất cao nhất kể từ tháng 5/2000.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed phụ trách chính sách tiền tệ, đã tăng lãi suất thêm 0,5% lên phạm vi mục tiêu 0,75 đến 1%.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã không tăng lãi suất quá 0,25% kể từ tháng 5/2000. Sau khi để lãi suất gần bằng 0 trong cả năm 2021, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các lãnh đạo ngân hàng khác đã cam kết nhanh chóng đưa chi phí đi vay trở lại mức sẽ không kích thích nền kinh tế.

Các quan chức hàng đầu của Fed đều xác nhận sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong những tuần trước cuộc họp FOMC vào tháng Năm này sau khi thông qua mức tăng 0,25% vào tháng Ba. Tất cả 10 thành viên biểu quyết của FOMC đều ủng hộ quyết định này.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed đã tăng 6,6% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2022, trong khi Fed đặt mục tiêu lạm phát hàng năm là 2%.

Lãi suất cho các khoản thế chấp, cho vay mua ôtô và các khoản vay dài hạn khác đã tăng lên trước quyết định của Fed.

Lãi suất thẻ tín dụng, các sản phẩm tín dụng ngắn hạn và các khoản cho vay có lãi suất có thể điều chỉnh - mà các bên cho vay thường ràng buộc với phạm vi lãi suất cơ bản của Fed - sẽ tăng ngay lập tức.

Các quan chức Fed đang hy vọng giảm lạm phát bằng cách giảm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp thông qua lãi suất cao hơn.

Khi các hộ gia đình và doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn, họ có thể ít sẵn sàng chi tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ. Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ thấp hơn có thể khiến các nhà cung cấp giảm giá và hạn chế kế hoạch chi tiền để mở rộng hoạt động.

Trong khi các quan chức Fed đang đặt mục tiêu làm chậm nền kinh tế đủ để giảm lạm phát mà không ngừng tăng trưởng hoàn toàn, ngày càng nhiều nhà kinh tế lo ngại ngân hàng trung ương không thể ngăn chặn tình trạng giá tăng mà không gây ra suy thoái.

Khi Fed tăng lãi suất nhanh chóng để ngăn chặn lạm phát gia tăng, chi phí đi vay tăng mạnh có thể làm chậm đi khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Ông Powell và các quan chức Fed bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chịu được lãi suất cao hơn mà không ngừng tăng trưởng hoặc tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Theo Bộ Lao động, Mỹ đã có thêm 1,7 triệu việc làm trong ba tháng đầu năm 2022 và có 11,5 triệu việc làm vào tháng 3/2022.

Mặc dù vậy, những rắc rối dai dẳng trong chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, tồn đọng hàng hóa tại các cảng, cuộc chiến ở Ukraine và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nước ngoài có thể khiến Fed khó khăn hơn trong việc kiềm chế lạm phát mà không có tác động bất lợi cho nền kinh tế Mỹ.

Fed cũng công bố kế hoạch giảm gần 9.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mà họ nắm giữ trên bảng cân đối kế toán.

Ngân hàng này bắt đầu mua hàng tỷ USD trái phiếu mỗi tháng kể từ tháng 3/2020 để giúp giữ dòng tiền chảy qua hệ thống tài chính và kích thích nền kinh tế Mỹ và đã tạm dừng các giao dịch mua trên vào tháng trước.

Fed sẽ tăng giới hạn đó lên 60 tỷ USD đối với Kho bạc và 35 tỷ USD đối với trái phiếu thế chấp vào tháng 9/2022./.

Theo Bùi Đại Thắng (VietNam+)