Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 15 - 16/3, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,25 - 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ tháng 12/2018.
Fed dự báo tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại 6 cuộc họp còn lại trong năm nay, đồng nghĩa đưa lãi suất về khoảng 1,75 – 2%. Cơ quan này có thể tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2023 và không tăng lần nào trong năm tiếp theo.
Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng việc điều hành lãi suất của bất cứ đất nước nào sẽ phục thuộc vào 2 mục tiêu là kìm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lạm phát 2 tháng đầu năm của Mỹ tăng vọt lên 7% và bắt buộc phải tăng lãi suất (kể cả lãi suất cho vay) để kiềm chế bớt nhu cầu. Nếu không có xung đột Nga – Ukraine và gián đoạn nguồn cung khiến giá dầu tăng nóng ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ thì mức tăng lãi suất có thể còn lớn hơn. Bởi vậy, mức tăng 0,25 điểm phần trăm theo ông Thành vừa giảm áp lực lạm phát vừa hỗ trợ nền kinh tế phát triển.
Đối với Việt Nam, các nhà điều hành phải xem xét ở góc độ Fed tăng lãi suất có ảnh hưởng đến tỷ giá hay không. Lạm phát Mỹ đang cao hơn Việt Nam khiến đồng USD mất giá nhiều hơn, áp lực Fed tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá của Việt Nam. Do vậy, vấn đề cần quan tâm của Ngân hàng Nhà nước lúc này là lạm phát.
Thông thường tăng lãi suất là công cụ điều tiết nhu cầu vốn, lãi suất tăng thì nhu cầu vốn giảm. Song, chuyên gia MBKE cho rằng trong tình thế hiện nay khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất thấp và có thể ưu tiên sử dụng công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng trước. Lãi suất cho vay ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước hiện nay vẫn chỉ đạo giữ lãi suất cho vay ở mức ổn định, thậm chí giảm. Còn lãi suất huy động có thể tăng theo thị trường khi lạm phát tăng.
Giám đốc Phân tích MBKE chia làm 2 kịch bản lạm phát, nếu lạm phát ở trong khoảng 4% theo kế hoạch thì không có gì thay đổi, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng cao 14%, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ổn định. Theo đó, nhóm ngân hàng thương mại sẽ được hưởng lợi tăng trưởng tín dụng cao hơn, lãi suất ổn định và NIM ổn đinh, thậm chí tăng trong năm nay.
Ở kịch bản thứ 2, lạm phát đâu đó khoảng 4,5-4,7% thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng hơn trong cấp hạn mức tín dụng, có thể không cấp hạn mức tốt ngay từ đầu năm mà ở mức vừa phải để quan sát lạm phát, nếu ở trong tầm tay thì cấp hạn mức tốt hơn nữa. Khi đó, lãi suất huy động tăng bình quân khoảng 0,5% ở tất cả kỳ hạn khiến chi phí vốn của nhóm ngân hàng cao hơn. Tuy nhiên, Giám đốc Phân tích MBKE cho rằng các ngân hàng thương mại có thừa khả năng bù đắp bằng nhiều biện pháp như đẩy tỷ lệ vốn cho vay trên huy động (LDR) lên cao hơn, tăng chi phí vốn giá rẻ (CASA), cho vay bán lẻ tăng.
Ở kịch bản cơ sở, MBKE dự phóng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay tăng khoảng 25-27% so với năm trước; trong kịch bản tiêu cực hơn, tăng 20-22% và nguyên nhân đến nhiều từ tăng trưởng tín dụng chậm lại chứ không phải do tăng lãi suất huy động.
Với thị trường chứng khoán chung, ông Thành cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức tăng trưởng tín dụng thấp để kiềm chế lạm phát thì thị trường phản ứng không quá tiêu cực. Nhà đầu tư cần khoảng thời gian đánh giá lại thông tin rằng Ngân hàng Nhà nước có đang siết lại chính sách không. Cổ phiếu ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý toàn thị trường do tỷ trọng của nhóm ngân hàng lớn.
Song, qua thời gian, nhà đầu tư nhận ra câu chuyện lạm phát cũng như câu chuyện nợ xấu năm 2021. Ông Thành nhận định quý III, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng mạnh từ nền thấp cùng kỳ 2021. Đồng thời, đến thời điểm đó, thông tư nợ xấu hết hạn và nhà đầu tư nhận thấy nợ xấu ngân hàng không tăng mạnh, căng thẳng Nga – Ukraine có thể dịu lại và câu chuyện lạm phát sẽ rõ ràng hơn.
Ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch TPBank, Chủ tịch Chứng khoán Tiên Phong (HoSE: ORS) nhận định Covid-19, xung đột Nga – Ukraine có thể tác động lên lạm phát trên thế giới, đi kèm với việc tăng lãi suất. Riêng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có khả năng không tăng quá nhiều lãi suất để thu tiền vào quá nhiều rồi không biết làm gì. Theo đó, vấn đề lạm phát, Fed tăng lãi suất sẽ chỉ tác động đến thị trường chứng khoán ở mức độ vừa phải.
Nhìn lại năm 2021, ngoài đầu tư chứng khoán nhà đầu tư có nhiều cơ hội đầu tư như gửi ngân hàng, bất động sản và một loạt tài sản khác nhưng cũng không ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Do vậy, ông Tú chờ đợi một sự thăng hoa của thị trường chứng khoán năm nay dù không thể rực rỡ như năm trước.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ ảnh hưởng bởi nhà đầu tư nội mà còn chịu ảnh hưởng bởi nguồn vốn từ khối ngoại. “Khi mà cả đại dương chỗ nào cũng có bão thì nơi nào ít bão nhất thuyền sẽ ghé vào. Trên thế giới, nơi nào cũng lạm phát, nơi nào cũng rủi ro thì Việt Nam có thể là bến đỗ tốt cho dòng tiền ngoại”, lãnh đạo TPBank nói.
Chứng khoán VNDirect đánh giá việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ khó có thể gây ra sự điều chỉnh đáng kể trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022. Những yếu tố hỗ trợ bao gồm Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vì Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với nhiều nhà sản xuất trên thế giới khi theo đuổi chiến lược Trung Quốc + 1, dòng vốn trong nước đổ mạnh vào thị trường chứng khoán.
Theo Ngọc Điểm (Người Đồng Hành)