Mỹ đã đầu hàng trong cuộc chiến giá dầu?

19/01/2015 15:17:56

Cuộc chiến giá dầu căng thẳng nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước giữa bộ ba OPEC - Nga - Mỹ có vẻ như cuối cùng cũng chuẩn bị đi đến hồi kết.

Cuộc chiến giá dầu căng thẳng nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước giữa bộ ba OPEC - Nga - Mỹ có vẻ như cuối cùng cũng chuẩn bị đi đến hồi kết.
Người Mỹ đã không tránh khỏi một cuộc thoái lui khi hầu hết các giàn khoan của nước này phải giảm sản lượng và sa thải bớt công nhân trong khi "võ đài" chỉ còn lại Nga và OPEC và giá dầu đã xuống đến dưới 40 USD/thùng.
 

Một kết thúc như thế nào sẽ là phù hợp?

 
Trước hết, có vẻ như cuộc thoái lui của người Mỹ cũng đã trở thành hiện thực. Các giàn khoan dầu đá phiến ở hầu hết các bang khai thác dầu chủ lực của Mỹ như Texas, North Dakota bắt đầu ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không có giếng dầu mới nào được khoan và lượng công nhân viên thất nghiệp từ ngành dầu đang đi tìm việc làm thì nhiều lên với tốc độ chóng mặt. Giới tài chính cũng bó tay chịu trận khi cả Goldman Sachs và JPMorgan đều công khai khuyên các nhà đầu tư nên thoái vốn khỏi ngành dầu càng sớm càng tốt.
 
Tuy vậy, sự thoái lui của người Mỹ có vẻ như vẫn chưa khiến OPEC hài lòng. Bất kể những động thái rõ rệt từ phía Mỹ, các nhà lãnh đạo của tổ chức dầu lửa nhiều quyền lực nhất trên thị trường dầu mỏ thế giới vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thay đổi thái độ trong việc nâng giá dầu trở lại.
 
Iran, một trong những cái đích mà Ả Rập Saudi hướng tới trong việc ghìm giá dầu này, cũng đã lên tiếng về một sự cần thiết đối với việc OPEC hành động để nâng giá dầu trở lại. Nhưng có vẻ như cái đích sau cùng mà Ả Rập Saudi và OPEC đang nhắm tới không ai khác ngoài nước Nga.
 
Nếu như có một tiền lệ nào về việc cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu trong quá khứ khiến OPEC tỏ thái độ cứng rắn chưa từng thấy ở thời điểm hiện tại, hẳn đó phải là việc bị người Nga hớt tay trên hồi thập niên 1980.
 
Khi đó, tận dụng việc Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng, Liên Xô đã nâng sản lượng khai thác một cách chóng mặt để nhanh chóng hớt tay trên miếng bánh béo bở mà đất nước Trung Đông kia vừa thả ra.
 
Sản lượng của Liên Xô khi ấy thậm chí đạt đến mức gần 10.700.000 thùng/ngày, một con số kỷ lục mà giờ đây cả Nga lẫn Mỹ đều chưa thể vượt qua. Ả Rập Saudi và OPEC dĩ nhiên là không quên kỷ niệm cay đắng ấy, giờ đây chẳng có lý do gì để tạm dừng cuộc chiến mà trước đó, Mỹ đã đầu hàng và giờ đến lượt Nga.
 
Bất kể Nga đã thoát ra khỏi tình trạng nguy ngập về kinh tế cách đây ít lâu, nhưng đồng rúp (Ruble) vẫn luôn có một phần giá trị neo vào giá dầu. Việc tiếp tục đẩy giá dầu xuống sâu hơn ở thời điểm hiện tại cũng đồng nghĩa với việc ép Nga vào khó khăn sâu hơn nữa. Khá nhiều nhà phân tích đã đưa ra dự đoán giá dầu thậm chí có thể chạm đáy ở mức trên 20 USD/thùng, đó có vẻ như sẽ là một thảm họa thực sự cho nước Nga.
 
Kịch bản tươi đẹp với Ả Rập Saudi và OPEC khó xảy ra
 
Với việc giảm sản lượng một cách triệt để của Mỹ thì giá dầu sẽ có xu hướng nhích dần lên trở lại thay vì xuống sâu hơn. Vẫn còn một số giàn khoan dầu đá phiến của Mỹ hoạt động và một sự tụt giá thấp hơn nữa của giá dầu sẽ ảnh hưởng đến những giàn khoan này của Mỹ trước, hơn là với Nga.
 
Đó là chưa kể, theo ước tính của Herman Gref, với giá dầu được duy trì khoảng 45 USD/thùng thì Nga sẽ cần khoảng 46 tỉ USD để ổn định tình hình. Con số 46 tỉ USD không lớn lắm với quỹ dự trữ ngoại hối lên tới gần 400 tỉ USD của Nga ở thời điểm hiện tại.
 
Giới phân tích đánh giá, Nga đang nắm giữ một lợi thế lớn hơn so với OPEC là thời gian. Vấn đề nối lại quan hệ thương mại giữa Nga và EU sẽ được đưa ra vào cuộc họp vào ngày 19.1. Theo đó, EU sẽ không thông qua bất cứ quyết định nào về các lệnh trừng phạt với Nga và quyết dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ được thông qua vào cuộc họp diễn ra trong tháng 3.

Việc nối lại quan hệ kinh tế với EU được đánh giá có tầm quan trọng với Nga, tương đương với việc giá dầu tăng trở lại, nhất là trong bối cảnh EU đang chuẩn bị triển khai một gói kích thích kinh tế trị giá 500 tỷ Euro. Việc nối lại quan hệ thương mại với EU trong thời điểm đó sẽ đem lại những lợi ích rất lớn cho Nga.
 
Trong khi Nga có thể nối lại quan hệ kinh tế với EU trong tháng 3, phải đến đầu tháng 6 OPEC mới có thể nhóm họp để đưa ra quyết định chính thức về việc có thay đổi chính sách về sản lượng và giá dầu hay không.
 
Dù OPEC đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến giá dầu, nhưng không ai dám chắc điều gì có thể xảy ra cho tới tháng 6, khi mà hầu hết các thành viên OPEC đang căng như dây đàn để đáp ứng chính sách giữ nguyên sản lượng hiện tại.
 
Một cuộc xuống thang giữa các bên, theo đó cả OPEC lẫn Nga đều giảm sản lượng để nâng giá dầu trở lại đang là kịch bản được khá nhiều chuyên gia hướng tới. Nó không chỉ tốt nhất cho cả OPEC và Nga, mà còn cho cả nền kinh tế thế giới.
 
Theo Nhàn Đàm (Một Thế Giới)

Nổi bật