Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, video quảng cáo, thậm chí có một số cá nhân đã tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu về ứng dụng thanh toán hộ có tên Myaladdinz.
Để tham gia ứng dụng này, người dùng đăng ký tài khoản, điền các thông tin cá nhân, người giới thiệu, đồng thời phải nạp tiền ít nhất 100 USD (gần 2,4 triệu đồng) để sử dụng.
Số tiền nạp vào được quy đổi thành “gem”, mỗi “gem” tương ứng 1 USD. Người dùng thanh toán hóa đơn bằng “gem” sẽ được ứng dụng này hoàn trả 80% “gem” khi giao dịch hoàn thành chứ không hoàn lại bằng tiền.
Trường hợp khác, người dùng được "khuyến khích" không cần mua bán gì, chỉ cần nạp tiền thật để mua “gem” rồi sau đó “gem” đổi ra điểm để nhận lãi từ 0,2 đến 0,1 điểm % mỗi ngày. Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng thì sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự như mô hình đa cấp.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), "tiêu dùng hoàn tiền" hay "mua sắm hoàn tiền" (cashback) là việc người tiêu dùng, người mua được hoàn lại một phần tiền khi họ mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng.
Nhiều trang thương mại điện tử, ứng dụng Internet được quảng cáo theo mô hình cashback. Khi sử dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử này để giao dịch mua sắm thì người tham gia được "vẽ" là luôn luôn có lợi với giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch. Giá trị được quảng cáo rất hấp dẫn, từ 80% tới 100%, thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua.
"Ngoài việc giao dịch mua sắm tiêu dùng, hệ thống còn cho phép các tài khoản của người tham gia có thể đầu tư, mua bán và trao đổi các điểm số nội bộ trên hệ thống tương ứng với các loại tiền ảo tự lưu hành trên" - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nêu rõ.
Cảnh báo lừa đảo
Trong văn bản mới đây, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, về bản chất, ứng dụng Myaladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người tham gia mua “gem” nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư. Mặt khác, ứng dụng này chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp phép.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá, mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử có những biểu hiện như trên hoặc tương tự như trên đều không rõ ràng, không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo, việc "hoàn tiền" với giá trị % cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo theo các tỷ lệ % rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng từ 0,05-0,1%/ngày), không có ý nghĩa về việc "hoàn tiền" như đã quảng cáo.
Tuy nhiên, thực tế các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Người tham gia có những tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ.
Để hạn chế những rủi ro tài chính và pháp lý, cơ quan chức năng cảnh báo người dân không nên tham gia đầu tư và phát triển hệ thống của những website và ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu nêu trên.
Theo Thư Kỳ (VietNamNet)