Tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 23/4, TPBank đã xin ý kiến cổ đông về việc mua lại một công ty tài chính.
Thời gian thực hiện mua sẽ diễn ra ngay sau khi được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và dự kiến tiến hành trong năm 2019.
Về hình thức mua bán, TPBank sẽ mua lại toàn bộ 100% vốn cổ đông của công ty tài chính để trở thành công ty con của ngân hàng này, hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Trao đổi nhanh với chúng tôi bên lề đại hội cổ đông, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, cho biết tiềm năng thị trường còn lớn. Là đơn vị đi sau, ngân hàng sẽ cố gắng tránh vết xe đổ của các đơn vị hiện tại trong việc truy thu nợ, để tránh gây bức xúc cho khách hàng.
Đòi nợ không phù hợp chuẩn mực, khách khó tìm đến
- Một số ngân hàng đang có động thái rút lui, bán lại công ty tài chính còn nhà nước đang bàn chuyện thắt chặt quản lý đối với các công ty tài chính. TPBank giờ mới có ý định tham gia vào cuộc chơi công ty tài chính, liệu có muộn?
- Tiềm năng thị trường còn rất lớn. Các công ty tài chính về bản chất là cho vay dưới chuẩn, hỗ trợ những người khó khăn trong tiếp cận ngân hàng. Chừng nào vấn đề tín dụng đen còn hoành hành, nhu cầu đẩy mạnh chúng còn, thì còn cơ hội cho công ty tài chính. Công ty tài chính nằm trong ngân hàng thì bao giờ cũng sẽ có thuận lợi, dễ quản lý hơn.
Còn nói về khó khăn thì đương nhiên. Việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt quản lý là đúng. Vấn đề là mình sử dụng công cụ như thế nào.
- Chính các công ty tài chính trong ngân hàng thời gian qua được dư luận phản ánh về hoạt động đòi nợ gây bức xúc xã hội?
- Mỗi ngân hàng có một hình thức hoạt động khác nhau. Vấn đề là mức tín nhiệm của họ với khách hàng thôi.
Nếu áp dụng những cách đòi nợ hay phương thức nào mà người ta cảm thấy không phù hợp với chuẩn mực, không phù hợp với văn hoá thì tôi nghĩ khách hàng khó có thể tìm đến.
Thành lập công ty tài chính thuộc TPBank, chúng tôi chắc chắn không thể đi vào vết xe đổ đó được. Chúng tôi sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn mà thị trường chấp nhận được.
Hiện tại đây vẫn là mô hình mới mẻ, còn nhiều vấn đề cần xử lý. Tuy nhiên, nói gì chăng nữa một công ty tài chính thuộc ngân hàng thì tính tuân thủ sẽ phải cao hơn, giúp cho thị trường vay nhỏ lẻ của khách hàng cá nhân tốt hơn chứ không thể để tình trạng tín dụng đen như thế này.
- Cụ thể TPBank sẽ tránh vết xe đổ của đối thủ ra sao? Làm thế nào để cân bằng giữa yêu cầu thu hồi nợ và việc tránh tạo bức xúc cho khách hàng?
- Cái đó tuỳ thuộc cả hai. Khi vay tiền bản thân khách hàng phải là người nghiêm túc. Khách hàng vay tiền nhưng lại không muốn trả nợ cho ngân hàng là điều không ổn.
Còn ngược lại bản thân ngân hàng khi thu hồi nợ cũng phải áp dụng những biện pháp phù hợp. Những biện pháp đó đương nhiên là phụ thuộc vào sự hành xử của khách. Bản thân khách là người nghiêm túc thì đương nhiên là khi thu hồi nợ mình cũng có những biện pháp phù hợp. Ngược lại với những khách hàng không nghiêm túc, khách hàng muốn xù nợ chắc chắn ngân hàng phải có những biện pháp rất ráo riết.
Chỉ cần tìm mô hình phù hợp
- Chiến lược của TPBank khi tham gia vào tài chính tiêu dùng có gì khác biệt so với đối thủ?
- Còn quá sớm để nói về khác biệt với các đối thủ.
- Trong kế hoạch 3-5 năm, kỳ vọng đóng góp doanh thu thế nào?
- Kỳ vọng thì khó nói, vì tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng nhanh quá, nói một tỷ lệ % sẽ khó. Tuy nhiên, một khi đã lập ra công ty tài chính thì tất nhiên ngân hàng sẽ có mong muốn đóng góp xứng đáng với mức đầu tư đã bỏ ra.
- Ngân hàng dự kiến chi ra số tiền bao nhiêu để mua công ty tài chính, thưa ông?
- Cái này còn phụ thuộc vào sự thoả thuận giữa các công ty tài chính và sự phê duyệt của NHNN và Chính phủ.
Nhìn trên thị trường, các công ty tài chính đang hoạt động khó khăn và việc đàm phán không dễ.
- Hiện nay, các bước để mua công ty tài chính của ngân hàng tiến hành ra sao?
- Chúng tôi đang tìm hiểu các công ty. Hiện số lượng công ty trên thị trường khá nhiều. Đàm phán được với họ thì còn cần được sự phê duyệt của các cổ đông, sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, rồi NHNN và nếu cần thì còn đưa lên Chính phủ.
Chắc chắn đây là quá trình tốn nhiều thời gian nhưng hy vọng mục phấn đấu là trong năm 2019 sẽ đạt được.
- Khi tham gia đầu tư tài chính tiêu dùng, khẩu vị rủi ro của TPBank và cá nhân ông ra sao?
- Khẩu vị rủi ro ở mức nào thì không nói được nhưng một khi đã làm công ty tài chính thì mình phải chấp nhận rủi ro cao hơn vì mình đang cho vay dưới chuẩn. Mình cho vay dễ dãi hơn, thời gian phê duyệt nhanh hơn, không có tài sản bảo đảm thì rõ ràng rủi ro sẽ cao hơn.
Chấp nhận rủi ro ở mức độ nào thì cái đó ngân hàng sẽ phải tính toán. TPBank sẽ có những lợi thế vì là ngân hàng đi sau, cũng như áp dụng dưới hình thức ngân hàng số, tiếp cận khách hàng với tư duy mới thay vì những cái mà các đơn vị đi trước đã làm.
- Khi VPBank đầu tư vào vay tiêu dùng, họ tư tin với kinh nghiệm từ Đông Âu. TPBank có gì khi bước vào cuộc chơi này?
- Chúng tôi cũng từng là tay ngang làm ngân hàng và phát triển nhanh.
Với vay tiêu dùng, hiện tôi chưa thể nói gì được. Tôi không thể nói được TPBank sẽ giống như ngân hàng A, từng ở đông Âu về, tôi có cái bài này trong túi hay lắm.
Bây giờ mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều, chỉ cần tìm ra mô hình nào phù hợp thôi. Tôi tin là TPBank sẽ tìm ra mô hình phù hợp.
Về cho vay tiêu dùng, cho vay tài chính, mỗi bên có thể áp dụng các hình thức khác nhau. Có bên sẽ để lại tất cả tại các cửa hàng để hỗ trợ khách hàng vay mua tiêu dùng, còn với TPBank sẽ có hình thức khác. Chúng tôi sẽ học tập tất cả các ngân hàng đi trước cũng như triển khai cái mới riêng của mình.
Theo Phương Loan - Ngô Minh (Tri Thức Trực Tuyến)