Mobifone có thực sự muốn 'rút' khỏi TPbank?

07/10/2018 10:02:06

Hơn 5,5 triệu cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong do Tổng Công ty Viễn Thông Mobifone chào bán nhưng không ai mua do giá chào bán quá cao. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu việc thoái vốn tại TPbank có phải là mong muốn “thực sự” của Mobifone hay không khi TPbank đang lãi lớn trong thời gian qua?

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán TPB) vừa ra thông báo về kết quả hoạt động kinh doanh của nhà băng trong 3 quý năm 2018.

9 tháng, TPBank báo lãi gấp đôi cùng kỳ năm 2017

Theo đó, tính đến hết 30.9.2018, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 4.035 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kì năm 2017. Đây là mức tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng cao.

Đại diện ngân hàng cho biết, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 440 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2017, tương đương 314 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng; huy động vốn đạt hơn 113 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy gia tăng về doanh thu, TPBank tiếp tục áp dụng và triển khai các giải pháp về ngân hàng số, các chương trình thu hút khách hàng cũng như các hình thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến, giúp giảm chi phí vận hành cho ngân hàng.

Mobifone có thực sự muốn 'rút' khỏi TPbank?
TPBank đã hoàn thành xấp xỉ 75% mục tiêu kế hoạch về lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm

Nhờ những biện pháp tối ưu đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2017, từ 807 tỷ đồng lên 1.613 tỷ đồng. Với lợi nhuận hiện tại, TPBank đã hoàn thành xấp xỉ 75% mục tiêu kế hoạch.

Cũng theo đà của kết quả kinh doanh này, đại diện TPBank tin tưởng năm nay ngân hàng sẽ  hoàn thành mục tiêu thách thức đại hội đồng cổ đông đề ra đầu năm là 2.200 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức trên dưới 1%.

Mobifone thoái vốn bất thành

Trong khi TPbank thông báo kết quả kinh doanh khả quan song Tổng công ty Viễn Thông MobiFone (MobiFone) lại thất bại khi thực hiện thoái vốn tại ngân hàng này.

Theo đó, Mobifone chưa thể thoái được vốn tại TPBank như dự kiến do mức giá chào bán khởi điểm được đưa ra cao hơn so với thị giá của cổ phiếu TPB trên sàn HOSE.

Cụ thể, tại thời điểm Mobifone thông báo kết quả thoái vốn, giá của cổ phiếu TPB dao động từ 23.900 đến 27.500 đồng/cp, thấp hơn mức giá khởi điểm mà Mobifone công bố là 29.510 đồng/cp. Do đó, Mobifone chưa thực hiện được việc thoái vốn tại TPBank.

Mobifone có thực sự muốn 'rút' khỏi TPbank? - 1
Diễn biến giá cổ phiếu TPB 

Được biết trước đó, Mobifone đã đăng ký bán toàn bộ hơn 5,5 triệu cổ phiếu TPB đang sở hữu, tương đương 0,95% vốn điều lệ của ngân hàng này theo phương thức khớp lệnh trên sàn HOSE và giao dịch thỏa thuận.

Mức giá chào bán tối thiểu sẽ không thấp hơn mức 29.510 đồng/cp và giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thời gian đăng ký giao dịch vào quý III/2018.

Mục đích của việc chuyển nhượng cổ phần được Mobifone đưa ra là thực hiện theo quy định của cơ quan Nhà nước và lấy vốn để bổ sung nguồn vốn lưu động, phục vụ sản xuất kinh doanh của tổng công ty. Đồng thời, giúp Mobifone cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung vào ngành sản xuất chính, cắt giảm tối đa góp vốn tài chính.

Đây không phải là lần đầu tiên Mobifone “rút” lui không thành tại TPbank, trước đó Mobifone cũng từng có ý định thoái vốn khỏi TPBank trong năm 2017 do đây là đầu tư ngoài ngành, tuy nhiên chưa thực hiện được.

Mobifone có thực sự muốn 'rút' khỏi TPbank? - 2
Mobifone thoái vốn bất thành tại TPbank do giá "quá cao"

Theo 1 số chuyên gia ngân hàng, việc Mobifone thoái vốn bất thành là hoàn toàn dễ hiểu khi công ty này chào bán với mức giá quá cao so với mức giá của TPbank trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu việc thoái vốn tại TPbank có phải là mong muốn “thực sự” của Mobifone hay không hay đơn giản đưa ra chỉ tiêu thoái nhưng không muốn ai mua khi TPbank đang lãi lớn trong thời gian qua?

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng “ Khi Vietcombank muốn rút vốn khỏi Ngân hàng Quân đội (MB - mã MBB, sàn HOSE), tại sao họ lại đưa ra mức chào bán thấp hơn cả mức giá trên sàn của MBB. Đó là vì Vietcombank thực sự mong muốn bán được số cổ phần này ra thị trường. Ngược lại, với Mobifone, nếu muốn bán ra thị trường mà để giá quá cao so với thực tế thì rõ ràng là không ổn”.

Theo Huyền Anh (Dân Việt)

Nổi bật