Với giá mức giá dưới 10 triệu đồng khách hàng có thể lựa chọn một số hãng điều hòa có tên tuổi như Samsung, Sharp, Panasonic, Toshiba, LG…
Tuy nhiên từ đầu hè rất nhiều mẫu máy lạnh mới ra đời với mức giá khá mềm thu hút được người tiêu dùng và có công suất cũng như chế độ tiết kiệm điện năng hoàn toàn phù hợp với hầu hết mục đích cũng như không gian sống trong nhà của nhiều người.
Dưới đây là một số mẫu điều hòa công suất 12.000 BTU (1,5 HP) ra mắt năm 2021 của Aqua, Kasper, Beko, Nagakawa có giá tối đa 9,99 triệu đồng.
Aqua AQA-KCRV13TK (9,99 triệu đồng)
Mẫu điều hòa công suất 12.000 BTU của Aqua phù hợp với diện tích không gian khoảng 20m2 như phòng ngủ cơ bản, phòng khách gia đình, quán cà phê hay văn phòng nhỏ,… Tuy mới ra mắt nhưng mẫu điều hòa này đã được giảm giá từ 10,29 triệu đồng còn 9,99 triệu đồng.
AQA-KCRV13TK có ưu điểm về khả năng khử khuẩn, lọc không khí (màng lọc bụi thô 3M) và công nghệ PID Inverter tiết kiệm điện. Tuy nhiên, theo một số đánh giá của người dùng trên website Điện Máy Xanh, nhược điểm của Aqua là máy khá ồn khi hoạt động.
Casper GC-12IS32 (9,99 triệu đồng)
GC-12IS32 mới được tung ra thị trường vào đầu năm 2021. Sản phẩm được trang bị tính năng khử khuẩn, lọc không khí và hút ẩm, đi kèm công nghệ Inverter và chế độ Eco tiết kiệm điện. Máy cũng có cảm biến nhiệt độ phòng để tự động điều chỉnh và duy trì nhiệt độ đã thiết lập.
Tuy vậy, so với các sản phẩm ngang tầm, thiết bị của Casper có thiết kế đơn điệu hơn. Khả năng tiết kiệm điện của Casper cũng chưa được đánh giá cao, chia sẻ của người tiêu dùng cho biết, dù mua máy mới được gần một tháng nhưng thấy khá tốn điện, khoảng 300kw.
Beko RSVC12VT (9,99 triệu đồng)
RSVC12VT có hệ thống lọc không khí, nhưng chỉ dừng ở lọc bụi thô. Ngoài ra, máy lạnh cũng có một số tính năng phổ biến như tự làm sạch, tự bật khi có điện trở lại, làm lạnh nhanh, cảm biến nhiệt độ phòng gắn trên điều khiển từ xa...
Beko hiện đang được giảm giá từ 10,49 triệu đồng còn 9,99 triệu đồng trên Điện Máy Xanh.
Nagakawa NIS-C12R2H10 (9,19 triệu đồng)
Mẫu điều hòa của Nagakawa được tích hợp màng lọc không khí 5 lớp để làm sạch không khí và vi khuẩn.
Sản phẩm tiết kiệm điện với công nghệ Inverter, tự động nhận biết nhiệt độ phòng và điều chỉnh qua cảm biến trên điều khiển, khả năng hút ẩm giúp không gian khô ráo, kháng khuẩn với phân tử bạc (Ag+).
Máy lạnh Nagakawa Inverter 1.5 HP NIS-C12R2H10 nhờ chức năng tự làm sạch Auto Clean sẽ loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc hiệu quả đến 99.9% và làm khô nước còn đọng lại ở dàn tản nhiệt. Đồng thời, nâng cao tuổi thọ sử dụng máy lạnh, tiết kiệm chi phí vệ sinh cho gia đình.
Tuy nhiên, tương tự Aqua, một số ý kiến cho rằng máy hoạt động ồn. Đặc biệt là cục nóng, cũng như các công nghệ thông minh trên máy hạn chế hơn so với các sản phẩm ngang tầm.
Asanzo WiFiKool (8,69 triệu đồng)
Điểm đặc biệt nhất là WiFiKool hỗ trợ Wi-Fi, điều ít thấy trên các model điều hòa dưới 10 triệu đồng. Người dùng điều khiển điều hòa qua ứng dụng ASG Home do Asanzo tự phát triển. Máy dùng động cơ Inverter tiết kiệm điện, nhưng dùng gas R-410A khó bảo trì.
Điều hòa của Asanzo cũng trang bị màng lọc không khí để lọc bụi mịn, tương tự các model cao cấp của các hãng khác trên thị trường. Tuy nhiên, WiFiKool lại không trang bị cảm biến theo dõi chất lượng không khí và đưa ra thông báo như một số điều hoà khác.
Phiên bản 12.000 BTU được niêm yết ở mức 8,69 triệu đồng, rẻ hơn Beko RSVC12VT, Casper GC-12IS32, Aqua AQA-KCRV13TK (cùng 9,99 triệu đồng), LG V13API1 (12,7 triệu đồng) hay Sharp AH-XP13YMW (11,49 triệu đồng).
Casper LC-12FS32 (7,79 triệu đồng)
Điều hòa Casper hiện có mức giảm 6% so với giá 8,29 triệu đồng khi lên kệ hồi đầu năm. Ưu điểm của sản phẩm là khả năng lọc bụi mịn PM2.5 - điều ít thấy trên các sản phẩm cùng tầm giá. Máy lạnh Casper LC-12FS32 là lựa chọn phù hợp cho căn phòng diện tích vừa phải.
Nhiều tính năng thông minh như làm lạnh nhanh, phát hiện rò rỉ gas, lọc bụi mịn,... Tuy nhiên, máy không dùng động cơ công nghệ Inverter nên khả năng tiết kiệm điện hạn chế hơn so với các đối thủ ngang tầm giá.
Theo Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để chọn đúng công suất máy lạnh nên dựa vào thể tích của phòng là chính xác nhất (thể tích bằng = dài x rộng x chiều cao phòng).
Một mét khối thể tích phòng tương đương với 200 BTU. Từ đó, tính ra công suất cho điều hòa gia đình, phòng có kích thước (4 x 5 x 3.5) m3 = 70m3, chọn điều hòa 12.000 BTU hoặc 18.000.
Cũng theo các chuyên gia, nếu chọn điều hòa không phù hợp với diện tích phòng sẽ có hai trường hợp xảy ra. Hoặc là công suất quá lớn với diện tích, gây hao tốn năng lượng nhiều, hoặc là công suất không đủ để làm mát phòng.
Dù mới đầu hè nhưng trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài, cùng với việc triển khai nghỉ luân phiên của một vài công ty khiến nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân tăng cao đáng kể.
Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)