Kêu trời mỗi lần sửa điều hòa
Tuần trước, bỗng nhiên chiếc điều hòa mua năm ngoái của nhà anh Nguyễn Huy Hoàng ở Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội tự nhiên dở chứng, lúc chạy lúc không. Trong khi đó, trời thì nắng nóng 36-37 độ C, cả nhà anh lại ở nhà làm và học online vì dịch Covid-19.
Do mù tịt về sửa chữa điện lạnh, anh Hoàng vội gọi thợ là người quen đến sửa. Người chủ liền điều một cậu thợ lạ đến nhà anh kiểm tra. Thấy thợ báo hỏng hóc gì, anh Hoàng cũng đồng ý thay vì tin tưởng. Đến khi thanh toán, anh ngã ngửa khi số tiền lên đến gần 2 triệu đồng.
“Người thợ này kiểm tra một hồi rồi phán bệnh là: cháy tụ, quạt đảo chiều, vệ sinh máy. Tổng số tiền hôm đó mình phải trả là 1,7 triệu đồng. Trong đó, tiền vệ sinh máy là 200.000 đồng. Thay tụ xong, mình nhìn cái tụ điều hòa giống hệt như mấy cái tụ quạt. Xót đứt ruột nhưng được cái máy lạnh đã hoạt động bình thường”, anh Hoàng nói.
Bực mình vì cảm giác bị mất tiền oan, vợ chồng anh Hoàng quyết định mua thêm một chiếc điều hòa nữa trong phòng khách.
“Do ít gặp được thợ điện lạnh có tâm nên mình tự rút ra kinh nghiệm là phải tính chính xác thể tích phòng khách của gia đình và chịu tốn thêm tiền để mua một máy lạnh công suất lớn hơn, hàng chính hãng để chạy tốt. Thế còn hơn là mua máy lạnh rẻ tiền hay hỏng hóc, mỗi lần gọi thợ đến sửa là cảm giác cứ trút bực vào thân”, anh Hoàng chia sẻ.
Cũng giống như nhà anh Hoàng, chị Trần Lan Anh ở Cổ Nhuế, Hà Nội cũng vừa bị thợ sửa điều hòa "chặt chém" khi gọi về sửa máy lạnh tại gia.
Người phụ nữ này kể, đúng hôm chồng chị đi công tác Sài Gòn hai ngày thì điều hòa nhà chị đột nhiên bị chảy nước. Chị lên mạng và tìm số điện thoại của thợ sửa điều hòa tự do. Thợ đến xem xong thì báo bộ cảm biến điều hòa nhà chị bị hư. Vì thế, chị đồng ý để thợ thay hết 1,8 triệu đồng.
“Khi chồng về, mình kể điều hòa bị hỏng bộ cảm biến, thay mất 1,8 triệu mà anh giật mình. Anh bảo bị thợ sửa điều hòa lừa rồi. Rồi anh cứ trách sao không gọi cho chồng để nhờ người quen sửa an tâm nhất. Vì đối với thợ ngoài, họ muốn cái gì hỏng thì nó sẽ hỏng”, chị Lan Anh bức xúc nói.
Các chiêu “chém ngọt” của thợ sửa điều hòa
Anh Long, một thợ sửa chữa điện lạnh ở Hà Đông, Hà Nội cho biết, nếu khách hàng là người thiếu kinh nghiệm, không biết nhiều về lĩnh vực điện máy thì nguy cơ bị thợ sửa chữa điều hòa lừa gạt càng lơn. Họ áp dụng các mánh khóe tinh vi, từ đó, nhét túi thêm bạc triệu.
Chẳng hạn, họ sẽ mua vật tư giá rẻ như dây điện, ống đồng kém chất lượng rồi “hét giá” với khách hàng. Hoặc trong quá trình bảo dưỡng, họ bịa lý do máy bị hỏng hóc để móc túi thêm của khách; hoặc thợ bảo dưỡng điều hòa lần nào đến vệ sinh cũng báo phải thêm gas trong khi gas vừa mới được bơm ở lần vệ sinh 6 tháng trước.
“Nói chung, phần lớn lỗi mà thợ sửa điều hòa tìm ra chắc chắn không nằm trong phạm vi bảo hành. Từ đó, họ mới tính được tiền để có thể bỏ túi riêng. Nhưng khi về thì báo cáo với công ty hay ông chủ, họ lại nói chỉ sửa điều hòa trong phạm vi bảo hành. Tất nhiên, không phải người thợ nào cũng không có lương tâm như vậy”, anh Long cho hay.
Về nguyên nhân khiến nhiều thợ sửa điều hòa "chặt chém" khách ngày nắng nóng, anh Long lý giải: “Đó là còn do các gia đình ham rẻ. Bình thường, vệ sinh máy lạnh giá từ 150.000-170.000 đồng. Thế nhưng nhiều người chê giá cao, gọi thợ bên ngoài bảo trì có 100.000-120.000 đồng. Do đó, nhiều thợ đến nhà bảo dưỡng điều hòa cố tình "chặt chém" thêm được đồng nào nay đồng ấy”.
Do vậy, để tránh bị móc túi oan khi sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa ngày nắng nóng, anh Long khuyên: “Mọi người nên chọn thợ quen hay những người mình biết, tin tưởng được. Ngoài ra, nên chọn những trung tâm, cửa hàng cung cấp các dịch vụ lắp đặt, sửa chữa điều hòa uy tín; tránh am rẻ mà gọi những thợ điều hòa nghiệp dư. Bởi khi lắp đặt hoặc sửa chữa, nếu có vấn đề phát sinh xảy ra thì họ đã cao chạy xa bay".
Thêm một điều nữa là bản thân mỗi người cũng tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về điều hòa, những lỗi thường gặp, cách khắc phục.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)