Những môi giới chứng khoán đang chán chuyện giảm hoa hồng có thể sẽ tìm thấy sự khá giả tại Việt Nam, Bloomberg nhận xét.
Các công ty chứng khoán đang tuyển dụng nhân sự cấp cao trong những tháng gần đây. Mike Lynch, trước đây là Giám đốc điều hành của CIMB Group tại New York đã chuyển đến TP HCM hơn một năm trước để phụ trách mảng khách hàng tổ chức của Công ty chứng khoán SSI (SSI), đơn vị đứng đầu về thị phần môi giới.
Cũng như Lynch, Lawrence Heavey, người đã có hơn một thập kỷ kinh nghiệm về chứng khoán châu Á tại CLSA cũng về đầu quân cho SSI.
Các công ty khác không đứng ngoài xu hướng này. Hồi tháng 1, Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), một trong ba đơn vị môi giới lớn nhất Việt Nam, đã tuyển dụng Stephen McKeever, người phụ trách mảng chào bán cổ phần của Công ty chứng khoán Mizuho, Hong Kong.
Những môi giới chứng khoán cấp cao đang làm gì tại một thị trường được xếp vào nhóm cận biên của MSCI? Câu trả lời là Việt Nam khác xa với những thị trường phát triển hơn của châu Á - nơi phí hoa hồng môi giới bị siết chặt với các quy định của MiFID và cạnh tranh gay gắt. Các nhà môi giới hàng đầu của Việt Nam vẫn kiếm được ít nhất 0,15% giá trị trên mỗi giao dịch, gấp 3 lần các thị trường phát triển như Hong Kong, nơi các công ty chứng khoán hàng đầu chỉ giành được phí 0,05%.
Thêm vào đó là tâm lý bầy đàn của thị trường chứng khoán. VN-Index là chỉ số tốt nhất châu Á trong năm ngoái, và ghi nhận mức tăng 28% trong 12 tháng, bất chấp đà bán tháo gần đây.
Quan trọng hơn là thị trường Việt Nam luôn có biến động. Tỷ lệ doanh số giao dịch hàng năm (khối lượng giao dịch theo phần trăm vốn hóa thị trường) là 32,6% trong năm 2017, so với 11,6% của Philippines và 17,8% của Indonesia, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Tại thời gian cao điểm vào tháng 1, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày đạt hơn 300 triệu USD.
Được thu hút bởi một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng 6,8% vào năm ngoái, nhiều quỹ đầu tư lớn đã đổ tiền vào Việt Nam.
Quỹ GIC của Singapore đã tham gia vào đợt IPO trị giá 1,4 tỷ USD của Vinhomes, cũng như đợt chào bán cổ phần của Techcombank, ngân hàng mà trước đó Warburg Pincus cũng đã đầu tư. Để phục vụ các tổ chức nước ngoài, sử dụng những nhân sự giàu kinh nghiệm từ phương Tây là khoản đặt cược an toàn hơn so với các tài năng bản địa.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có rất nhiều công việc tốt. Nó đang ở trong giai đoạn thuận lợi nhất cho nhân viên, bị phân mảnh và chưa bị áp lực về giá cả dịch vụ liên quan đến chứng khoán - điều có thể làm giảm lợi nhuận của các công ty chứng khoán.
Môi giới nước ngoài cũng có thể tìm thấy những khoản đầu tư hấp dẫn tại TP HCM, giúp tăng lên sự giàu có của họ chỉ trong vài năm, như mua bất động sản, đầu tư tài chính vào các dự án startup...
Người nước ngoài hiện nay được phép mua tới 30% dự án bất động sản đã được phê duyệt. CapitaLand có trụ sở tại Singapore rao bán căn hộ trong dự án cao cấp De La Sol với giá tương đương khoảng 350 USD mỗi foot vuông (0,09 m2). Mức giá này vẫn thấp hơn một nửa giá của các dự án có thể so sánh ở Thái Lan. Việc cho thuê các căn hộ trong khu trung tâm của TP HCM có thể đem lại mức lợi suất hấp dẫn 6-9%.
Còn nếu nói việc đầu tư vào các dự án startup hấp dẫn, Marc Djandji, phụ trách bộ phận môi giới khách hàng tổ chức tại Công ty chứng khoán Rồng Việt là một ví dụ. Anh ấy đã có cổ phần tại nhà máy bia Pasteur Street Brewing. Tiềm năng của thị trường bia Việt có thể nhìn thấy khi Thai Beverage trả 4,8 tỷ USD để mua lại cổ phần tại Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào tháng 12/2017.
Tuy nhiên, rủi ro của việc đưa cả gia đình và chuyển đến Việt Nam là sự bùng nổ của thị trường có thể đột ngột biến mất, như những gì đã diễn ra với Trung Quốc trong năm 2015. Tuy nhiên, tiềm năng để gây dựng tài sản là có và như mọi nhà môi giới đều biết, rủi ro và lợi nhuận luôn đi đôi với nhau.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)