Trong phiên giao dịch buổi chiều 22/5, chỉ số VN-Index có lúc giảm gần 30 điểm (khoảng 2,5%) xuống xa ngưỡng 1.000 điểm. Tính chung trong khoảng 1 tháng rưỡi qua, VN-Index giảm khoảng 210 điểm, tương đương giảm 18%. Giá trị vốn hóa của cả hai sàn niêm yết ước tính đã bị bốc hơi 700.000 tỉ đồng (hơn 30 tỷ USD).
VN-Index bỏ xa đỉnh cao trên 1.200 điểm ghi nhận hôm 9/4/2018.
Tính tới 13h32 ngày 22/5, VN-index giảm 29,26 điểm (-2,88) xuống 986 điểm; HNX-Index và Upcom-Index giảm ở mức mạnh tương tự. Thanh khoản vẫn ở mức thấp, đạt khoảng 100 triệu cổ phần.
Sức ép bán tăng mạnh sau khi giới đầu tư lo ngại thị trường chưa thể hồi phục trong bối cảnh khối ngoại vẫn đang bán ra mạnh, trong khi dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước cũng bỗng dưng tụt giảm nghiêm trọng.
Chứng khoán Việt Nam giảm bất chấp TTCK thế giới trong đó có Mỹ diễn biến tích cực sau khi nguy cơ một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm đi rất nhiều. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin xác nhận chính quyền Mỹ và Trung đã nhất trí đình chỉ việc áp thuế lẫn nhau. Mỹ đồng ý từ bỏ các lời đe doạ áp thuế với Trung Quốc trong khi hai bên tiến hành chuẩn bị cho một thoả thuận thương mại rộng lớn hơn.
Áp lực bán tháo tăng mạnh sau khi VN-Index trong phiên liền trước thủng ngưỡng hỗ trợ 1.020 điểm và khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 400 tỷ trên toàn thị trường. Mọi nỗ lực thử đáy đều đã bất thành và theo nhận định của nhiều đơn vị phân tích thì thị trường đang khá xấu xét trên phương diện phân tích kỹ thuật.
Phiên giảm điểm sáng và đầu giờ chiều 22/5 khiến nhiều cổ phiếu blue-chips rớt về mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua, bất chấp kết quả doanh tốt trong quý 1.
Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen thậm chí còn giảm sàn xuống còn 12.200 đồng/cp, so với mức 28.000 đồng/cp cách đây 4 tháng. Cổ phiếu BMP cũng đã mất gần 50% giá. Cổ phiếu về ngưỡng 29.000 đồng/cp, so với mức 45.000 đồng/cp chỉ cách đây hơn 1 tháng.
Theo một số CTCK, TTCK tiếp tục giảm là do áp lực dòng tiền bị rút ra mạnh. Gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có khu vực Đông Nam Á, do đồng USD mạnh lên. Dòng vốn được cho là rút về Mỹ khi mà tổng thống Donald Trump đang tìm mọi biện pháp để thúc đẩy việc làm tại nền kinh tế số 1 thế giới.
Tại Malaysia, lượng tiền bị khối ngoại rút ra lên mức kỷ lục. Riêng trong tuần qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 625 triệu USD cổ phiếu Malaysia, đánh dấu sự rút vốn tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2013.
Tại Việt Nam, một số ngành vẫn có triển vọng kinh doanh khá tốt như ngân hàng, tài chính, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, bán lẻ… Tuy nhiên, những dấu hiệu xấu cũng đã bắt đầu xuất hiện. Dòng tiền rút khỏi kênh chứng khoán và đổ vào bất động sản khá mạnh.
Về tình hình kinh tế chung, các báo cáo gần đầy cho thấy, tăng trưởng kinh tế ấn tượng cho dù tăng trưởng tín dụng tăng chậm lại. Triển vọng nền kinh tế vẫn khá tươi sáng. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại về tính bền vững, với tâm điểm hướng vào thu chi ngân sách, sự bất cập giàu nghèo, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, năng lực cạnh tranh của DN nội thấp…
Đánh giá về triển vọng TTCK, một số CTCK tiếp tục lo ngại về lực bán mạnh và thanh khoản yếu. Về dài hạn, nhiều báo cáo đánh giá của các CTCK gần đây cho rằng, triển vọng của TTCK Việt Nam về dài hạn vẫn tươi sáng.
Sau một thời gian tăng dữ dội trong cả năm 2017 và quý 1/2018, thị trường cần điều chỉnh. Quá trình tạo đáy và tích lũy đủ năng lượng để tăng trở lại cần thêm thời gian.
Trong năm 2017, TTCK Việt Nam đã có một bước tăng trưởng nhảy vọt. Chỉ số VN-Index tăng khoản 48%, từ mức 668 điểm đầu năm lên 970 điểm vào cuối năm sau tròn 1 thập kỷ giảm giá và đi ngang sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Trong quý 1/2018, VN-Index tăng thêm hơn 12% trước khi lập đỉnh cao mọi thời đại 1.204,33 điểm vào ngày 9/4/2018. Từ đó tới nay, thị trường đã giảm khoảng 15%, đa số các mã lớn đã giảm khoảng 20%, một số mã giảm tới 50%.
Theo M. Hà (VietNamNet)