Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu tại hội nghị toàn quốc về logistics tổ chức ngày 16-4 ở Hà Nội có nhắc đến chi phí không chính thức.
Sau đó ông nhắc cả ngành công an phải giảm chi phí cho doanh nghiệp. Dịch vụ logistics (nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục hải quan...) được đánh giá đang làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phải giải quyết, chấm dứt tình trạng vô lý, vô trách nhiệm, vô cảm và vô thời hạn trong tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Phí vận chuyển bằng giá sản phẩm
Ghi nhận ngày 16-4 tại vùng rau Đà Lạt, hành tây đang được bán với giá 2.500 đồng/kg tại vườn (đã sơ chế, đạt được tiêu chuẩn xuất bán về các chợ đầu mối, siêu thị). Tuy nhiên, khi nhập chợ ở TP.HCM, mỗi ký hành tây đã cõng thêm 2.000 đồng chi phí vận chuyển.
Nghịch lý phí vận chuyển gần ngang bằng với giá nông sản khiến nhà sản xuất đau đầu. Ông Nguyễn Thanh Vang, chủ một vựa nông sản tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), cho biết vào những lúc giá nông sản như cà chua, cà rốt, củ cải xuống thấp thì phí vận chuyển ngang bằng, thậm chí còn cao hơn.
Ông Vang đưa ra mức giá vận chuyển nông sản đi TP.HCM và các tỉnh khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg. Phí vận chuyển cao khiến giá nông sản tại chợ đầu mối đội lên 10% đến 50% so với giá thu mua ban đầu.
Các vựa thu mua nông sản có quy mô nhỏ, hoặc tiểu thương thu mua nông sản tại chợ nông sản Đà Lạt cho rằng mức phí vận chuyển nông sản hiện nay quá cao khiến nông sản Đà Lạt giảm tính cạnh tranh về giá.
Ông Đoàn Hữu Huynh, chủ xe tải chở nông sản tại Đà Lạt, lý giải nguyên nhân khiến giá vận chuyển nông sản cao: "Ngoài hao mòn xe, xăng dầu, công tài xế thì nhiều chi phí không tên đã chiếm mất 1/3 tổng chi phí vận hành một chuyến xe".
Bộ GTVT dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chi phí logistics của VN tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59% tổng chi phí logistics.
Tại hội nghị, ông Lê Duy Hiệp - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN - dẫn tính toán của hiệp hội cho hay các yếu tố làm chi phí logistics cao gồm: chi phí vận tải; phụ phí tại cảng biển do hãng tàu nước ngoài quy định, hạn chế về kết cấu hạ tầng; chi phí sử dụng hạ tầng như cầu đường (Hải Phòng thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển); chi phí thông quan...
Ông Hiệp đánh giá với chi phí vận tải, nhiên liệu chiếm 30-35%, phí cầu đường (BOT) 15% đối với tuyến Bắc - Nam và xấp xỉ 30% với tuyến Hải Phòng - Hà Nội. Bên cạnh đó có loại phí được xếp là phí "trà nước" chiếm xấp xỉ 5%.
"Vận chuyển 1 container tiêu chuẩn (20 feet) đường bộ từ Sài Gòn đến Hải Phòng mất 34 triệu đồng, đường sắt 12,4 triệu đồng, đường biển 5,2 triệu đồng. Chi phí vận tải đường bộ quá cao và tỉ lệ chạy rỗng một chiều nhiều làm chi phí tăng".
Ông Phạm Minh Đức - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại VN - chỉ rõ chi phí thương mại của VN cao hơn mức trung bình của ASEAN. Ông này đề cập thẳng vào vấn đề thời gian làm thủ tục hành chính, hải quan và cơ quan khác tại cửa khẩu đang chiếm 72% thời gian nhập khẩu và cho rằng "việc giảm chi phí thương mại là nỗ lực của liên ngành chứ không chỉ một cơ quan nào". Chuyên gia WB đề nghị cần phân loại các thủ tục hành chính theo chuẩn quốc tế, có cơ chế giám sát minh bạch, sử dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu thủ tục và giấy tờ...
Giảm chi phí - ngành công an phải tham gia
Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải giải quyết, chấm dứt tình trạng vô lý, vô trách nhiệm, vô cảm và vô thời hạn trong tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia về sản phẩm của VN. Cho rằng chi phí dịch vụ logistics của VN còn quá cao, khó cạnh tranh, Thủ tướng yêu cầu phải giảm chi phí này, những điều kiện kinh doanh là rào cản của doanh nghiệp logistics phải xóa bỏ, trong đó có chi phí không chính thức...
"Hôm nay có anh Sơn (trung tướng Nguyễn Văn Sơn - PV) thứ trưởng Bộ Công an ở đây phải chỉ đạo ngành công an giảm bớt chi phí cùng với các ngành khác" - Thủ tướng đề nghị.
Theo Mai Vinh- Tuấn Phùng- Nguyễn Hải (Tuổi Trẻ)