Thủ tướng: 'Chi phí vận tải đang đè nặng con tàu kinh tế'

16/04/2018 13:41:18

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chi phí logistics cao là rào cản, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam.

Sáng 16/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định chi phí vận tải quá cao, làm giảm sức cạnh tranh, rào cản lớn trong việc phát triển kinh tế Việt Nam.

Chi phí là rào cản lớn của kinh tế

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định logistics được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng và các bộ, ngành đã triển khai. Nhưng cách tổ chức thực hiện còn hạn chế.

Hiện nay Việt Nam tổ chức vận tải giao thông đơn tuyến, đơn lẻ và chủ yếu đường bộ. “Xe vận tải hàng hóa có đến 40-50% xe quay về mà không chở hàng, làm sao chi phí lại không cao được”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: 'Chi phí vận tải đang đè nặng con tàu kinh tế'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, trị giá hàng tỷ USD. Đây là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.

Thủ tướng dẫn câu nói của một trong những người thành lập đất nước Hoa Kỳ - Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn?”.

Thủ tướng cho rằng chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn có thể nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp. Vì vậy, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Nhà nước phải xắn tay vào làm

Thủ tướng cho rằng tại hội nghị, các đại biểu cần quán triệt Kế hoạch hành động để triển khai, nhất là một số ngành then chốt. Thủ tướng khẳng định: “Bàn tay Nhà nước cần xắn vào đây. Tôi và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng… phải thảo luận, làm thông suốt vấn đề này hơn”.

Thủ tướng nêu 4 vấn đề với tinh thần làm rõ tồn tại, hạn chế liên quan đến logistics. Thứ nhất là thể chế, chính sách; Thứ hai là về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics; Thứ ba tính kết nối của các loại hình vận tải; Thứ tư là phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics.

Thủ tướng: 'Chi phí vận tải đang đè nặng con tàu kinh tế' - 1
Bộ GTVT khẳng định hệ thống giao thông, cảng biển còn thiếu đồng bộ. Ảnh: Minh Hoàng

Về các loại hình vận tải, Thủ tướng cho rằng yếu kém nhất trong kết nối. Thực tế, vận tải đường thủy, đường sắt chi phí thấp nhưng thị phần còn thấp (đường biển 4,7%, đường thủy nội địa 17,7%, đường sắt 0,39%), còn vận tải đường bộ chiếm tới gần 80%.

“Mà như vậy tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hư hỏng đường sá. Chúng ta có mấy đồng bạc làm đường này, đường kia, anh chở siêu trường, siêu trọng như vậy thì đường nào chịu nổi”, Thủ tướng lưu ý.

Chúng ta lo sản xuất trái cây, gạo, sản xuất thiết bị máy móc mà những dịch vụ chiếm tỷ lệ cao như này không giảm xuống thì nền kinh tế không thể cạnh tranh được.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công thừa nhận hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam còn chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối.

Thủ tướng: 'Chi phí vận tải đang đè nặng con tàu kinh tế' - 2
Phi phí logistics tương đương với GDP của Việt Nam so với thế giới. Đồ họa: Văn Chương.

Hiện, hạ tầng vận tải đường bộ mặc dù đã được đầu tư nhiều nhất nhưng vẫn còn chậm và chưa theo kịp tốc độ phát triển lưu lượng vận tải.

Đối với đường sắt là công nghệ lạc hậu, thiếu an toàn do sử dụng khổ đường sắt hẹp. Hệ thống cảng biển ít bến cảng hiện đại đạt chuẩn mực quốc tế. Lĩnh vực đường thủy nội địa được đầu tư rất ít, chủ yếu tận dụng điều kiện tự nhiên.

Trong khi đó, các cảng hàng không và phương tiện hàng không tham gia vận chuyển hàng hóa còn rất yếu. Hệ thống kho tàng tại sân bay rất nhỏ, chưa có tuyến chuyên dụng vận tải hàng hóa.

Theo thống kê của Word Bank tại Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với hơn 20% GDP; Trung Quốc chiếm 19% GDP; Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%.

Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)