Hà Nội chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ bằng việc nới lỏng một phần khi thực hiện các biện pháp giãn cách. Nhiều loại hình kinh doanh cũng đã được hoạt động trở lại khiến phố phường Hà Nội nhộn nhịp hơn. Nhìn chung, người dân đều tỏ ra phấn khởi khi được mở cửa hàng sau 2 tháng giãn cách xã hội.
Anh Nguyễn Văn Đông, chủ cửa hàng sửa xe tại phố Cầu Đất (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, 1 tuần nay, lượng khách không nhiều, bình thường cửa hàng có 2 thợ phụ nhưng giờ không gọi mà tự làm để giảm bớt chi phí.
“Hà Nội thực hiện Chỉ thị 15, người dân đi lại được nhiều hơn, hy vọng lượng khách sẽ đông hơn trong thời gian tới để sao cho đủ lãi trả tiền thuê nhà, giờ làm khách ít vẫn lỗ, việc ít cũng không dám gọi thêm thợ phụ” - anh Đông chia sẻ.
Tại phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) những cửa hàng đồ điện dân dụng cũng tấp nập hơn trong ngày hôm nay. Nhiều người kinh doanh mừng vì được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, khoảng một nửa số cửa hàng vẫn “cửa đóng then cài”. Một số người kinh doanh lại tỏ ra lo lắng hơn là lúc chưa được hoạt động.
Chị Trần Hương một chủ cửa hàng đồ điện trên phố Nguyễn Công Trứ cho biết, không ít người kinh doanh tại đây đã trả cửa hàng, chọn hướng kinh doanh khác. Một số cửa hàng cũng chưa mở lại vì kinh doanh chưa thuận lợi khi lượng khách ít.
“Bán được ít hàng, lãi không bù được tiền thuê mặt bằng, không kinh doanh thì lỗ ít, kinh doanh có khi lỗ nhiều vì chủ nhà cũng không giảm hay hỗ trợ tiền do dịch bệnh nữa, thế nên ở đây nhiều người chưa vội vàng mở cửa hàng” - chị Hương nói.
Trên phố cafe của Hà Nội - Nguyễn Hữu Huân, gần như các cửa hàng cafe đều chưa mở cửa dù đã được hoạt động trở lại.
Anh Ngọc một người kinh doanh cafe ở đây cho biết: “Cafe chủ yếu khách muốn ngồi tại quán, giờ được mở cửa kinh doanh nhưng chỉ bán mang về thì khó bán được, ngày được 10 - 15 cốc cafe công không đủ bù chi phí nên nhiều người không mở. Cửa hàng lớn thì phải có nhân viên lại càng lỗ nên không mấy cửa hàng mở, mở bán mang về chủ yếu là cửa hàng nhỏ lẻ”.
Một số quán cafe đã trả mặt bằng không thuê, về bán online tại nhà, qua 4 đợt dịch rồi giờ họ xác định kinh doanh online là chính, tiết kiệm chi phí và thích ứng trong mùa dịch, ôm cửa hàng mà chỉ bán hàng mang về thì càng làm càng lỗ, anh Ngọc cũng cho biết thêm./.
Theo Phương Hoài (VOV.vn)