Chi phí theo đuổi các tranh chấp thương mại tại Mỹ của các doanh nghiệp Việt lên tới 60 triệu USD.
Không hiểu luật thì rất khó
TS luật Block cho rằng đối với các DN Việt Nam, việc quản lý chi phí và rủi ro pháp lý khi kinh doanh tại hai thị trường trên là rất khó khăn. Đặc biệt là việc phải am hiểu tiếng Anh trong các văn bản pháp lý.
“Dù thế giới đều dùng tiếng Anh để giải quyết các tranh chấp thương mại nhưng điều này càng làm cho việc giải quyết trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, nhất là tại Mỹ” - ông Block cảnh báo.
Lấy ví dụ, Tập đoàn Sơn Hà năm 2014 bị kiện bán phá giá tại Mỹ, ông Block nói rằng: Mỗi năm Tập đoàn Sơn Hà xuất khẩu hơn 1.000 tấn ống thép không gỉ vào Mỹ. Việc làm ăn đang rất tốt thì Sơn Hà bị kiện theo Luật Chống bán phá giá. Việc theo đuổi vụ kiện này đã gây tốn kém khá nhiều cho Sơn Hà. May mắn là nhờ được luật sư (LS) hỗ trợ, cuối cùng Sơn Hà đã không bị áp thuế cao.
Cá tra Việt từng bị kiện bán phá giá ở Mỹ. Do vậy, DN Việt sẽ có lợi nếu chịu khó tìm hiểu luật pháp Mỹ. Ảnh: CTV |
Ông Block cũng chia sẻ câu chuyện về tranh chấp thương mại của chính DN ông với một DN Trung Quốc để làm ví dụ. Cụ thể, năm 2010 DN của ông bị một DN Trung Quốc kiện. Thời điểm đó, DN của ông nhập khẩu một số sản phẩm của Trung Quốc và được độc quyền phân phối tại Mỹ cũng như chuỗi phân phối tại WalMart cùng một số siêu thị khác. Sau khi bị kiện, công ty của ông cũng kiện ngược lại phía Trung Quốc.
Vụ kiện này liên quan đến tiền bạc vì cả hai bên nợ tiền nhau và tranh chấp khách hàng. Phía DN Trung Quốc sau một thời gian làm ăn, muốn bán hàng trực tiếp tại chuỗi siêu thị mà DN của ông Block đã làm ăn trước đó mà không cần thông qua trung gian.
Ông Block đã phải thuê tới 11 LS để giải quyết vụ kiện và cố gắng kiểm soát chi phí ở mức thấp nhất. “Dù có bằng tiến sĩ luật nhưng tôi lại không có bằng hành nghề LS nên phải thuê nếu như muốn công việc trôi chảy” - ông Block nói.
Điểm mạnh của DN Mỹ là am hiểu pháp luật Mỹ, am hiểu tiếng Anh, văn hóa và tâm lý của người Mỹ. “Đôi khi chỉ cần nhìn vào mắt nhau là đã hiểu nhau. Trong khi phía đối tác Trung Quốc không am hiểu luật và cũng không am hiểu tiếng Anh, tâm lý của LS Mỹ nên có nhiều khó khăn” - ông Block nói.
Một rủi ro khác về pháp lý đó là nếu DN Trung Quốc theo kiện tại Mỹ thì phải xin visa. Khi đến nước này họ sẽ bị giữ lại. Ngoài ra, DN Trung Quốc cũng mệt mỏi vì các tài liệu đều bằng tiếng Anh, rất dài và phức tạp, khó hiểu.
Cuối cùng, hai bên đã gặp nhau và mọi chuyện đã được giải quyết “nội bộ”, kết thúc trong “hòa bình”.
Từ câu chuyện trên, ông Block khuyến cáo mỗi khi DN Việt Nam nhận được văn bản pháp lý phức tạp bằng tiếng Anh thì nên tìm tới một LS. Quan điểm của các DN Mỹ, ông Block cho hay trong kinh doanh trước hết cần hiểu nhau, chỉ trong trường hợp bắt buộc mới kiện tụng. Bởi khi xảy ra kiện tụng kéo dài sẽ khiến DN chịu thiệt thòi.
Nếu đi học thì không mất 60 triệu USD
Trong khi đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng: Kim ngạch xuất khẩu của các DN Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng lên tới hơn 30 tỉ USD (năm 2014) là một thành tựu lớn. Tuy nhiên, các chi phí khi theo đuổi tranh chấp thương mại tại Mỹ của các DN Việt từ trước tới nay cũng lên tới 60 triệu USD.
“Thu về hơn 30 tỉ USD mà mất chi phí 60 triệu USD thì cũng coi như lãi lớn. Tuy nhiên, nếu các DN Việt chịu tìm hiểu, học hỏi về các quy định khi tham gia kinh doanh quốc tế thì chi phí chỉ mất 5 triệu USD” - TS Thành nói.