Mất 4 ngày đêm kiểm kê và 34 container chứa hàng niêm phong trong kho hàng lậu khủng ở Lào Cai

23/07/2020 18:22:42

Theo ông Linh, mỗi ngày nhóm livestream bán hàng lậu bị phát hiện ở Lào Cai bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu hàng tháng riêng phần bán lẻ như vậy là hơn 10 tỷ đồng.

Mất 4 ngày đêm kiểm kê và 34 container chứa hàng niêm phong trong kho hàng lậu khủng ở Lào Cai
Ảnh kho hàng lậu khủng ở Lào Cai bị phát hiện. Ảnh: QLTT

Sáng 23/7, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường đã thông tin về việc triệt phá kho hàng lậu, giả thông qua thương mại điện tử lớn nhất từ trước đến nay tại TP Lào Cai.

Cụ thể, theo ông Linh, vào ngày 7/7, Tổng cục QLTT đã phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02) và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) phát động mũi tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại thành phố Lào Cai.

Kho hàng này có quy mô trên 10.000m2 được dùng để chứa trữ hàng hóa và làm địa điểm tổ chức kinh doanh trên Internet do đối tượng Trần Thành Phú (28 tuổi) cầm đầu.

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra kho hàng (địa chỉ 145 Hoàng Diệu, TP.Lào Cai), lực lượng chức năng đã phát hiện toàn bộ hàng hóa tại đây là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ; một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, châu Âu.

Mất 4 ngày đêm kiểm kê và 34 container chứa hàng niêm phong trong kho hàng lậu khủng ở Lào Cai - 1
Ông Trần Hữu Linh.

 “Toàn bộ số hàng này đã phải kiểm đếm trong 4 ngày 4 đêm mới xong và được niêm phong vào trong 34 container. Tổng số sản phẩm tạm giữ là hơn 158.000 đơn vị sản phẩm, của 237 chủng loại hàng hóa”, ông Linh nói.

Qua khai thác thông tin ban đầu, nhóm của Trần Thành Phú đã thuê trên 70 nhân viên các loại để vận hành kho hàng và kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook.

Mỗi ngày nhóm này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu hàng tháng riêng phần bán lẻ như vậy là hơn 10 tỷ đồng. Sao kê do phía ngân hàng cung cấp cho cơ quan an ninh cộng dồn tới thời điểm kiểm tra của nhóm đối tượng là hơn 649 tỷ đồng, chỉ trong chưa đầy 2 năm vừa qua.

“Đây là vụ kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua thương mại điện tử lớn nhất từ trước tới nay mà quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng phát hiện ra và xử lý thành công. 

Đáng chú ý, địa điểm phát hiện nằm ở 1 tỉnh biên giới chứ không phải tại các thành phố lớn”, ông Linh nhấn mạnh.

Nhiều khó khăn trong điều tra, phát hiện vi phạm trên mạng

Ông Linh cũng chỉ rõ, việc chủ động điều tra, phát hiện vi phạm trên mạng này gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay.

Thẩm quyền của lực lượng QLTT không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan công an.

Ngoài ra, cần đây các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên mạng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận để cất giấu và vận chuyển hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng nhưng lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra....

Các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ (không có sẵn hàng hoặc cất giấu hàng ngay tại chỗ ở) nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, qua nhiều trường hợp phát hiện các đối tượng thường thuê các căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Trong khi đó, các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận, trinh sát.

Một thực tế cũng được ông Linh nêu ra, đó là việc tham gia của các doanh nghiệp có thương hiệu được bảo hộ hoặc chủ thể quyền còn hạn chế, đặc biệt là đối với các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài...

Trước đó, theo thông tin từ cơ quan QLTT, đến nay, chủ kho hàng ở Lào Cai vẫn chưa ra trình diện, làm việc với cơ quan chức năng.

Phát biểu khai mạc trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.

Trong khi đó, báo cáo về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban 389 cho hay, trong 6 tháng qua, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ vi phạm (giảm 12% so với cùng kỳ 2019), thu nộp ngân sách nhà nước 11.291 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ 2019), khởi tố 1.128 vụ (giảm 14% so với cùng kỳ) và 1.346 đối tượng (giảm 13% so với cùng kỳ 2019).

Theo Hoàng Đan (Tổ Quốc)