Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QLTT Hà Nội đã cùng thành viên Tổ 368 (Tổ công tác về Thương mại điện tử - Tổng Cục QLTT) mới tiến hành kiểm tra Cơ sở Dịch vụ Bưu chính Thuận Phong thuộc Công ty TNHH Một thành viên Chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội. Cơ sở này có trụ sở chính tại số 199 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Người đứng đầu chi nhánh là ông Fang Hong Yuan - quốc tịch Trung Quốc. Cơ sở này nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình, số 17 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Việc kinh doanh trong khuôn viên của cơ sở này rất khó phát hiện vì thường bị lẫn đối với hoạt động thông quan của lực lượng hải quan.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở xuất trình giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh; giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh; giấy phép hoạt động bưu chính số 276 của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27/5/2016 có hiệu lực đến hết ngày 27/5/2026. Cơ sở này được cung ứng dịch vụ bưu chính với các nội dung: dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 2kg; cung ứng trong phạm vi liên tỉnh (63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra phát hiện số lượng hàng hóa rất lớn được đóng trong các thùng các tông, bao tải, túi ni lông… bên ngoài có dán các thông tin về chủ hàng như: Tổng kho Thanh Vân, Shop Hồng Thắm, Shop Hương Ngát… đang tập kết tại Cơ sở Dịch vụ Bưu chính Thuận Phong để chuẩn bị chuyển phát.
Lực lượng chức năng cũng phát hiện các mặt hàng gồm: chăn ga các loại mang nhãn Zara Home; quần áo Adidas, ấm đun nước điện, mặt nạ đắp mặt, táo sấy khô đóng hộp, cao xoa bóp, kem đánh răng, xịt khoáng, mỹ phẩm dưỡng da, dầu gội đầu, dầu xả, sữa bột, bóng đèn ô tô, xe máy, đui đèn cảm ứng, máy tập thể lực, đồ gia dụng các loại…
Ngoài ra, nhiều sản phẩm tiết kiệm điện (loại thiết bị đã được cơ quan truyền thông và cơ quan chuyên môn cảnh báo là lừa dối người tiêu dùng), các loại miếng dán giản cân, tiêu mỡ được để dời chưa đóng bao bì và có bao bì kèm theo thể hiện mã vạch và sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng được phát hiện.
Tổng số hàng hóa trên có số lượng hơn 100.000 sản phẩm và hơn 20 bao hàng hóa đang được tiếp tục kiểm đếm.
Toàn bộ số hàng trên doanh nghiệp chỉ cung cấp được một hóa đơn giá trị gia tăng số 0000274 ngày 02/7/2020 kèm tờ khai hải quan số 103339218401 về 340 máy tập bụng TOSHIKO. Nhưng thực tế đối chiếu đối với hàng hóa cụ thể thì không trùng khớp về chủng loại, kích thước. Cơ sở cũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ gì khác.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ chủ hàng cụ thể của từng lô hàng lậu, hàng có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, hàng có dấu hiệu giả xuất xứ cũng như các hàng hóa không đúng với bản chất, công dụng của hàng hóa (lừa dối người tiêu dùng) và các vi phạm khác.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đại điện pháp lý của các nhãn hàng đang được bảo hộ tại Việt Nam như Zara, Adidas…để xác nhận hàng thật, hàng giả đối với các hàng hóa có liên quan.
Lực lượng quản lý thị trường nhận định, đây là vụ việc điển hình, thủ đoạn mới lợi dụng công nghệ số, thương mại điện tử và loại hình kinh doanh bưu chính để vận chuyển và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả xuất xứ, hàng giả sở hữu trí tuệ, hàng cấm, thậm chí lừa dối người tiêu dùng.
Theo Anh Tuấn (VietNamNet)