Trong một năm mà đại dịch COVID-19 làm xáo trộn nền kinh tế, kết quả kinh doanh của ngành F&B bị ảnh hưởng tiêu cực là điều khó tránh khỏi.
Doanh thu của tất các các chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam đều chứng kiến sự sụt giảm. Giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng kéo dài trong nhiều năm qua đột ngột chấm dứt. Rõ ràng, các chuỗi cà phê đã phải chịu những cú đánh bất ngờ khiến nguồn thu sụt giảm nhanh chóng, đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm cách thích nghi nhanh chóng với tình hình mới.
Ngay lúc này, TP HCM, trung tâm kinh tế tiêu dùng của cả nước đang trong quá trình giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 do những ảnh hưởng của đợt dịch mới là phức tạp và khả năng lây nhiễm cao.
Năm 2020, Highlands Coffee vẫn tiếp tục giữ vị thế là chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam, với khoảng cách so với nhóm còn lại không có nhiều thay đổi. Tổng doanh thu đạt gần 2.140 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ.
Vị trí thứ 2 có sự xáo trộn, khi The Coffee House với việc sụt giảm tương đối đã rơi xuống vị trí thứ 3. Phúc Long tăng trưởng nhẹ, vươn lên vị trí thứ 2. Tình hình tại Starbucks không khác nhiều với The Coffee House. Ba chuỗi cà phê này ghi nhận doanh thu trong khoảng 700 – 800 tỷ đồng.
Xin lưu ý, giai đoạn 2019 đổ về trước, cả ba chuỗi đồ uống đều đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng "chóng mặt", trung bình từ 30 – 40% mỗi năm. Điều này càng cho thấy thêm ảnh hưởng ghê gớm của đại dịch đến toàn ngành F&B mà những cái tên trên chỉ là ví dụ điển hình.
Ở nhóm xếp sau, Trung Nguyên Franchising, đơn vị được thành lập để quản lý chuỗi Không gian cà phê Trung Nguyên giảm 1/3 doanh thu. NISO Group, đơn vị quản lý chuỗi nhà hàng & cà phê với thương hiệu RuNam thậm chí còn giảm hơn một nửa doanh thu.
Về lợi nhuận, có sự phân hóa giữa các chuỗi cà phê lớn. Đáng chú ý là trường hợp của Highlands Coffee và Phúc Long, lợi nhuận tăng lần lượt 45% và 119%, đạt 80 tỷ đồng và 35 tỷ đồng. Bằng cách nào đó, cả hai chuỗi cà phê vẫn gia tăng hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh.
Phúc Long thực tế đã lọt vào "mắt xanh" của Masan Group – công ty bán lẻ, tiêu dùng lớn nhất Việt Nam. Cuối tháng 5 năm nay, Masan đã hoàn tất mua lại 20% cổ phần Phúc Long với mức giá 15 triệu USD, tương ứng định giá chuỗi trà & cà phê 75 triệu USD (hơn 1.700 tỷ đồng).
Thương vụ đầu tư đưa đến một hợp tác chiến lược được xem là tiềm năng đối với Phúc Long. Hai bên sẽ cùng nhau phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" thông qua mạng lưới 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.
Mô hình này giúp Phúc Long tiếp cận với đông đảo khách hàng hơn; thêm nữa, việc bán take – away và đặt quầy trong cửa hàng tiện ích giúp chuỗi đồ uống giảm thiểu đáng kể tác động do đại dịch, nhất là khi những cửa hàng lớn bị buộc phải đóng cửa. Mô hình Kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+.
Quay trở lại, nhóm các chuỗi cà phê vốn đã thua lỗ phải hứng chịu thua lỗ nặng hơn, bao gồm The Coffee House, Trung Nguyên Franchising và NISO Group.
Starbucks, chuỗi cà phê nước ngoài sụt giảm mạnh lợi nhuận, từ 39 tỷ đồng xuống còn 5 tỷ đồng.
Nhiều sự điều chỉnh được các chuỗi cà phê có thương hiệu đưa ra nhằm ứng phó đại dịch: cắt giảm chi phí theo tình hình hoạt động, đẩy mạnh khâu bán hàng trực tuyến, gia tăng tính hiệu quả, xin hoãn giãn nợ… Đôi khi, những thay đổi dù rất nhỏ nếu áp dụng được trên quy mô chuỗi lớn có thể có những ảnh hưởng to lớn.
Tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam ước tính là 2,3 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm trong điều kiện bình thường.
Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25% bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 180 cửa hàng), Phúc Long (82 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng).
The Coffee House nằm trong số chuỗi cà phê thiệt hại nặng nhất trong đại dịch. Theo ông Đinh Anh Huân – Chủ tịch HĐQT, xấp xỉ 2/3 trong số gần 180 cửa hàng của chuỗi phải hạn chế số lượng khách vào cửa hàng trong mỗi đợt dịch để đảm bảo khoảng cách tối thiểu. Điều này đồng nghĩa doanh thu/cửa hàng giảm đáng kể.
Chỉ thị 10 và mới đây là Chỉ thị 16 khiến toàn bộ cửa hàng, nhà hàng tại TP HCM phải đóng cửa, cán bộ nhân viên cũng phải tạm ngừng công việc chấp hành theo quy định.
Tuy nhiên, hệ thống The Coffee House cũng như các hệ thống F&B nói chung vẫn phải duy trì các chi phí đầu tư hạ tầng, khấu hao từ việc mở rộng chuỗi trong các năm trước, duy trì thu nhập cho người lao động…
Trong lúc này, các chuỗi cà phê đều mong sự hỗ trợ của các đối tác, ngân hàng, chủ nhà cho thuê và Chính phủ, để cùng nhau đối phó dịch bệnh cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo Đông A (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)