Mạnh tay bỏ hơn 12 tỷ USD để nhập hàng Việt Nam, Hàn Quốc mua những gì mà chi nhiều tiền đến vậy?

18/07/2024 08:30:24

Hàn Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch song phương hàng chục tỷ USD/năm.

Nông sản Việt Nam thu hút sự quan tâm lớn của người tiêu dùng Hàn Quốc

Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm đạt 12,2 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng tháng 6 đạt 1,98 tỷ USD.

Mặt hàng của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2024 là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 2,57 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 21% tỷ trọng. Điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,76 tỷ USD, chiếm 14,4% tỷ trọng. Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, đạt 1,59 tỷ USD, chiếm 13% tỷ trọng.

Một số nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 6 tháng đầu năm phải kể đến: Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 32,3%; hàng rau quả tăng 54,5%; cà phê tăng 39%; phân bón tăng 122,7%; hạt tiêu tăng 134%; chất dẻo nguyên liệu tăng 64,8%.

Mạnh tay bỏ hơn 12 tỷ USD để nhập hàng Việt Nam, Hàn Quốc mua những gì mà chi nhiều tiền đến vậy?
Trái chuối của Việt Nam trên 1 kệ hàng trong siêu thị Hàn Quốc.

Ngoài những sản phẩm truyền thống trên, nông sản Việt gần đây thu hút sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng Hàn Quốc với kim ngạch tăng trưởng cao.

Bên lề Diễn đàn hợp tác Hàn Quốc - Việt Nam diễn ra hôm 16/7, ông Jeong Joon Kyu, CEO Kotra tại Tp.HCM cho biết, nhiều hàng nông sản Việt được người tiêu dùng Hàn Quốc ưa thích nhờ chất lượng và giá cạnh tranh.

Theo thống kê, mặt hàng rau quả sang thị trường này tăng tới 55% so với cùng kỳ 2023, đạt 164 triệu USD. Cà phê và hạt tiêu cũng lần lượt đạt 75,6 triệu và 19,8 triệu USD, tương đương tăng 39% và 147% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết thêm, Hàn Quốc vượt Nhật Bản vươn lên là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Xoài, nhãn, thanh long, chuối, dứa, và sầu riêng là những loại trái cây được ưa chuộng nhất tại đây.

Nhiều dư địa để xuất khẩu sang Hàn Quốc

Hàn Quốc có dân số khoảng 51 triệu người. Đây được coi là thị trường tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Trước đây, những mặt hàng của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc đa phần là xuất thô, nhưng thời gian gần đây đã chuyển sang hàng giá trị gia tăng và hàng chế biến sâu.

Năm 2024 cũng đang được kỳ vọng tạo ra bước đột phá xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam, đặc biệt là xoài là mặt hàng cực kỳ được ưa chuộng tại xứ sở kim chi. Chính vì vậy, mảng xuất khẩu rau quả được đánh giá vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường Hàn Quốc.

Mạnh tay bỏ hơn 12 tỷ USD để nhập hàng Việt Nam, Hàn Quốc mua những gì mà chi nhiều tiền đến vậy? - 1
Xoài là một trong những mặt hàng trái cây chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ảnh minh họa.

Cũng giống như những quốc gia khó tính khác, các sản phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc có sự kiểm soát chặt chẽ vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Chia sẻ trên tờ VTV, bà Nguyễn Nam Phương Thảo - Giám đốc Kinh doanh, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Long An cho hay: "Thị trường Hàn Quốc là một thị trường rất khó tính so với các thị trường khác. Thị trường Hàn Quốc cần phải được kiểm soát từ vùng nguyên liệu rất chặt chẽ như kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật".

Vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, để xuất khẩu được nông sản sang thị trường này, sản phẩm của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.

Trong lịch sử, đã có nhiều sản phẩm của Việt Nam đã phải thu hồi tại Hàn Quốc. Đơn cử như sản phẩm xoài của Việt Nam được đóng gói trong bao 5kg bị phát hiện tồn dư chất Permethrin – hoạt chất chuyên dùng để trừ bọ xít, sâu ăn lá, sâu đục bông, đục trái...

Hay như mặt hàng ớt đông lạnh của Việt Nam Nam cũng đã bị thu hồi do phát hiện dư lượng PLS vượt ngưỡng cho phép khi Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Pha Lê (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật