Theo thống kê của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, hiện thành phố có 66 điểm ngập được thống kê, nhưng chỉ là các điểm ngoài đường phố, còn các điểm ngập trong con hẻm và khu dân cư vẫn chưa được liệt kê. Số liệu cho thấy một số tuyến đường có hơn 2 điểm ngập, nên thực ra thành phố có đến 77 vị trí ngập.
Đơn cử như quận 1 có đường Calmette (Từ Lê Thị Hồng Gấm - Nguyễn Công Trứ) - Đường Nguyễn Thái Bình (Từ Phó Đức Chính - Yersin) - Đường Cô Giang (Từ Hồ Hảo Hớn - Nguyễn Khắc Nhu) - Đường Hồ Hảo Hớn (Từ Võ Văn Kiệt - Cô Bắc). Quận 2 có Đường Nguyễn Duy Trinh (Từ Nguyễn Tuyển - Nguyễn Tư Nghiêm) - Đường Lương Định Của (Từ Chân cầu Thủ Thiêm - Cột điện số 24) - Thảo Điền (Từ Hẻm 95 - Cửa xả 8) - Đường Quốc Hương (Từ Đường 47 - Số nhà 127). Quận Bình Thạnh có Đường Nguyễn Hữu Cảnh (Từ Ngô Tất Tố - Cầu Sài Gòn) - Đường Bình Quới (Từ Khách sạn Nhật Nguyệt - Bến Đò) - Ngã tư Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm (qua bến xe Miền Đông)… Là những điểm ngập nặng của TP.HCM nhiều năm nay.
Lời khuyên từ giới đầu tư chuyên nghiệp đó là người dân nên mua nhà vào mùa mưa, bởi đây là cách tốt nhất để bạn thẩm định được tình trạng ngập úng. Căn hộ có thể đẹp long lanh, xanh mát khi bạn đến vào ngày nắng đẹp nhưng biết đâu vào những ngày mưa lớn nó lại mang một gương mặt khác.
Ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng bất động sản BVLAND cho rằng, ở mùa mưa ngập, người mua nhà có thể thấy rõ nhất những bất lợi từ vị trí mà căn nhà mình mua có thể gặp phải.
Theo ông Vũ, để nhận biết biểu hiện không tốt của khu vực thì có nhiều yếu tố. Đầu tiên đó là chú ý vị trí, độ cao của nền nhà và đường. Nếu mặt đường cao hơn nền nhà thì nước rất có khả năng sẽ tràn vào nhà mỗi khi trời mưa lớn. Nếu nhà đã xây sẵn và thấp hơn mặt đường thì cần có kế hoạch cải tạo, nâng cao nền. Nếu chung cư, cũng cần chú ý mặt đường bởi mặt đường vào chung cư thấp, trong khi nhà dân hai bên đường cao, khi mưa lớn sẽ ngập lối vào chung cư.
Ngoài ra, nếu nhà hàng xóm xung quanh khu nhà dự định mua đều xây nhà cao so với mặt đường thì đây có thể là khu vực phải chịu cảnh ngập lụt thường xuyên.
Một cách khác bạn có thể ứng dụng đó là khi mua nhà tránh ngập, bạn nên đến xem nhà vào đúng lúc trời mưa to để xem đường có bị ngập không.
Còn nếu đó là một ngày khô ráo thì bạn có thể quan sát các bức tường: nếu có rong rêu bám dưới chân và xuất hiện vết ố ngang bức tường thì đó là điểm mà nước dâng đến.
Tiếp theo đó là chú ý độ cao các khu vực. Vào mùa mưa lớn và triều cường đạt đỉnh, đi xem mua nhà là cơ hội tốt để khám phá thực tế xung quanh khu vực căn nhà tọa lạc theo kiểu mắt thấy tai nghe.
Chọn thời điểm này để khảo sát nhà cửa có thể tránh được những màn quảng cáo "chối quanh" rằng khu này không ngập hoặc lấp lửng ngập ít, không đáng ngại. Người mua nhà còn có cơ hội xác minh rõ mức độ ngập lụt của khu vực mình muốn dọn về sống.
Cụ thể là đưa ra những ngưỡng giới hạn cho các cấp độ ngập: "tạm ổn", "vẫn có thể chịu đựng" hoặc "tuyệt đối không mua".
“Nhìn chung thành phố thấp dần từ Bắc đến Nam. Điều này có nghĩa là những quận như: Gò Vấp, quận 9, quận 12 sẽ ít ngập hơn các khu vực khác. Nếu muốn mua nhà tránh ngập, bạn nên chú ý đến 3 quận này”, ông Vũ nói.
Cũng theo ông Vũ, nếu người dân muốn mua nhà ven kênh rạch cũng cần chú ý thêm vấn đề triều cường, vì tác hại của triều cường gây ra lớn hơn rất nhiều so với mưa lớn.
Ngoài ra, bà Mai Thu Hương, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Nam Phong quận 7 còn cho biết, người dân chọn mua nhà mùa mưa ngập nên cảnh giác những nơi có cốt nền quá cao bởi xung quanh nơi có cốt nền cao sẽ là vùng trũng hơn, thường ngập. Nếu bất động sản ở trên đỉnh của khu vực có cốt nền cao thì căn nhà không ngập nhưng đường về nhà sẽ ngập.
Bên cạnh đó, người mua nhà cũng cảnh giác với những chủ nhà rao giá bán thấp hơn giá trị thực căn nhà chứ không hét giá trên trời bởi nhà có vấn đề thì chủ nhà mới bán giá thấp.
Theo bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, mưa ngập ở TP.HCM là vấn đề lớn không chỉ với khách hàng mà còn đối với các chủ đầu tư.
Điều này đặt ra hàng loạt vấn đề về hạ tầng, trong đó thách thức dành cho các chủ đầu tư là chất lượng và tiêu chuẩn của các tầng hầm các cao ốc có đảm bảo hay không. Nhìn xa hơn, có thể các tổ chức bảo hiểm, ngân hàng cũng sẽ có lưu ý đặc biệt đối với nhóm khách hàng mua hoặc phát triển dự án bất động sản.
Theo Gia Phú (Báo Đầu Tư Bất Động Sản)