Đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho biết, tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn cảng biển, sân bay (Ảnh: Quochoi.vn) |
Theo ghi nhận của đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), quá trình thực hiện các chủ trương về phát triển vùng, liên kết vùng thời gian vừa qua đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Sơn cho rằng, cần nhìn thẳng vào thực tế, việc quy hoạch tổng thể liên kết vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng như hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả. Việc quy hoạch vùng vẫn mới chỉ mang tính chất ghép nối các tỉnh thành với nhau, có những nơi chỉ là số ghép cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, hầu như chưa có chế tài lâu dài.
“Thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương đang mang tính chạy đua, mạnh ai nấy làm, thay nhau “trải thảm đỏ”, mời chào đầu tư với nhiều hình thức ưu đãi. 63 tỉnh thành mà có tới 245 bến cảng, 29 cảng biển, 21 sân bay trong đó có tới 10 sân bay quốc tế. Gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển”, đại biểu tỉnh Đà Nẵng nêu.
Vị đại biểu cho rằng, điều này làm giảm lợi ích tổng thể. Các tỉnh thành đầu tư dàn trải, lãng phí, không có trọng điểm. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội…
Bàn thêm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, trong quy hoạch phát triển vùng, Nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước không nên để mỗi tỉnh, mỗi địa phương tự quy hoạch.
Việc giao cho địa phương tự quy hoạch, theo ông Thưởng sẽ dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, việc quy hoạch đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, liên kết, không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước và làm phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Thưởng đề nghị, việc quy hoạch và quy hoạch đầu tư cần có sự cân nhắc hết sức thận trọng, phù hợp với từng vùng, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế.
Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ đứng trước nguy cơ phá sản cao |
Lấy ví dụ về Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (Ethanol) trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, đại biểu Cao Đình Thưởng cho biết, dự án này ra đời là do sự đánh giá không đầy đủ và thiếu thận trọng, thể hiện trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công, quy hoạch vùng nguyên liệu sắn ở rất nhiều tỉnh, trong đó có Phú Thọ
Được khởi công từ quý III/2008 và dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động vào quý III/2010 với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.385 tỷ đồng, song đến nay qua 4 lần điều chỉnh, với số vốn lên tới 2.484 tỷ đồng nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành.
“Có thể nói đây là dự án kém khả thi, thời gian kéo dài, rất tốn kém và nhiều khả năng “đắp chiếu”, nguy cơ phá sản cao, để lại nhiều hệ lụy, gây thất thoát lãng phí tiền của, tài chính Nhà nước, làm mất an ninh trật tự, mất niềm tin của nhân dân”, vị đại biểu nhận xét.
Đại biểu tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và chủ đầu tư sớm có giải pháp đối với dự án này.
Các vị đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển quy hoạch vùng gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cần phát triển thế mạnh của địa phương trên cơ sở quy hoạch của toàn vùng; phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn… Chính sách phát triển phải có sự hài hòa giữa địa phương và vùng để tránh sự trùng lắp, chồng chéo; xóa bỏ tư duy khép kín, không để 63 địa phương là 63 nền kinh tế riêng lẻ…