25 tuổi, chàng trai Trần Văn Thế ở quận 7, TP.HCM sau 3-4 năm đi làm đã tích cóp được 200 triệu đồng. Là người không thích làm công ăn lương nên Thế quyết định mở một quán cơm tấm bài bản.
Tuy nhiên, nhận thấy ở Sài Gòn đã có nhan nhản quán cơm tấm nên Thế đã mạnh dạn bay ra Hà Nội khởi nghiệp, với hy vọng sẽ đưa một món ăn quen thuộc của Sài Gòn tới Hà Nội.
“Tại Sài Gòn, cơm tấm có mặt ở khắp các vỉa hè lớn nhỏ. Từ nhà hàng quy mô lớn tới các quán ăn nhỏ bình dân. Mọi người ở thành phố này đều thích ăn cơm tấm. Cả sáng, trưa, chiều, tối họ đều ăn vì cơm tấm rất dễ ăn, giá cả bình dân. Các quán cơm tấm đều đông khách. Vì thế mình nghĩ, kinh doanh cơm tấm có thể giúp hái ra tiền và thành công ở Hà Nội”, Thế kể lại.
Nghĩ là làm. Đầu năm 2019, cậu quyết định bay ra Hà Nội. Tại đây, Thế gặp gỡ một số bạn thân và nhờ họ tư vấn, tìm chỗ thuê mặt bằng mở quán cơm tấm. Sau hai tuần tìm kiếm, Thế thuê được mặt bằng rộng 50m2, gồm 2 tầng, ở phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là địa điểm đẹp, náo nhiệt có rất đông dân văn phòng. Tuy nhiên, mức giá thuê vô cùng đắt đỏ 20 triệu/tháng.
Dù giá thuê đắt nhưng thấy có tiềm năng vì nơi đây có nhiều công sở, nhiều dân văn phòng nên cậu vẫn quyết định làm. Thế thuê nhà trong 1 năm nhưng phải trả trước 6 tháng. Riêng tiền thuê mặt bằng đã hết 120 triệu đồng. Cậu bỏ ra 30 triệu mua sắm bàn ghế, dụng cụ nấu ăn, bát đĩa và 5 triệu mua nguyên liệu như sườn nướng, thịt nướng, trứng, bì, chả trứng và các thức ăn phụ khác...
Thế thuê thêm 2 nhân viên phục vụ, mức lương 4,5 triệu/tháng/người. Tổng chi phí cậu bỏ ra ban đầu là hơn 160 triệu đồng.
Do quy trình để chế biến cơm tấm khá đơn giản và ít công đoạn nên khi tự đứng ra làm món ăn, Thế cũng thấy tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí thuê nhân viên phục vụ. Ngoài ra các món ăn kèm của cơm tấm cũng dễ chế biến và có giá thành tương đối rẻ.
“Món cơm tấm chỉ có sườn nướng, trứng, bì, chả trứng. Thức ăn phụ thì cần dưa leo, cà chua, xà lách, cải muối,... Tất cả đồ ăn này đều dân dã và có thể mua dễ dàng tại các chợ”, cậu nói.
Với số tiền khoảng 40 triệu còn lại, Thế nghĩ để dự phòng cho mua sắm nguyên liệu và trả tiền nhân viên trong 2-3 tháng đầu kinh doanh khi chưa có nhiều khách. Điều lạ là, dù quán ăn được mở bài bản như vậy, nhưng khi mở bán lại không được như ý.
“Ngay tháng đầu, quán đã bị lỗ. Nhưng mình nghĩ chuyện lỗ tháng đầu tiên là bình thường vì khách chưa quen. Hy vọng tháng sau khách đến đông hơn. Song tháng sau, mình vẫn bị lỗ. Tháng sau nữa cũng không thể vực dậy lên”, Thế cho hay.
Giá mỗi đĩa cơm tấm rất bình dân, chỉ 35.000 đồng, nhưng ngày nhiều Thế chỉ bán được khoảng 50 suất. Trừ vào tiền mua mua nguyên liệu, cả ngày cậu chỉ lãi khoảng 500.000 đồng. Số tiền này chỉ đủ để trả tiền lương 2 nhân viên, điện nước.
3 tháng lỗ liên tiếp, quá hoảng, Thế bắt đầu phát hoảng và tìm nguyên nhân tại sao quán cơm tấm của anh đồ ăn ngon, thái độ phục vụ nhiệt tình vẫn không đông khách. Hóa ra, dân công sở Hà Nội không thích ăn cơm tấm thường xuyên. Họ lại thích ăn ở những quán quen đã thử. Họ cũng thích những món ăn bình dân như bún chả, bún đậu, phở, bánh cuốn ở vỉa hè hơn hẳn là vào ngồi ở những hàng quán đẹp đẽ.
Ngoài ra, những ngày thời tiết nắng to, nhiệt độ lên đến 39 độ C, lượng khách càng sụt giảm. Có khi giảm hẳn một nửa. Bởi trời nắng, mọi người ngại ra ngoài nên đều mang theo cơm nhà nấu.
Cố gắng duy trì quán đến hết tháng thứ 5, Thế quyết định đóng cửa, chấp nhận lỗ 200 triệu. “Bất cứ người kinh doanh nào khi mở quán cũng mong muốn nhanh chóng hồi vốn và thu lời. Nhưng giờ mình mới biết, chỉ dựa vào những lợi thế căn bản của món ăn thì chưa đủ và vẫn sẽ lỗ sấp mặt. Kinh doanh cơm tấm ở Hà Nội chưa phù hợp với nhu cầu ẩm thực của người dân nơi đây. Trong khi đó, những quán phở, bún chả, đồ ăn vặt bình dân không thương hiệu, không tên nhưng vẫn luôn đông kín khách mặc dù nằm trong hẻm”, cậu đúc kết
Thất bại với quán cơm tấm ở Hà Nội, Thế bay về Sài Gòn tiếp tục đi làm và tích cóp. Sau gần 2 năm, cậu tiếp tục thuê mặt bằng 7 triệu/tháng để mở quán cơm tấm bình dân.
“Lần thất bại ở Hà Nội đã dạy cho mình bài học lớn. Đó là làm hàng ăn, sống hay chết, thành công hay thất bại, quyết định cuối cùng vẫn là thói quen, sở thích tiêu dùng của người nơi đó. Sau đó mới đến chất lượng món ăn và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, cái sai của mình ở lần đầu tư mở quán cơm tấm ngoài Hà Nội là mới mở quán đã đòi làm ăn lớn. Vì thế, mình nên học những người khác, mở quán nhỏ nhỏ rồi từ từ xem thế nào mới mở rộng dần”.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNeT)