Dùng ngân sách mua lại dự án BOT không phù hợp
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Ủy ban Kinh tế đánh giá Chính phủ đã thực hiện nghiêm quy định không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT - là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, bất cập thời gian qua đối với hình thức đầu tư này để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân.
Chính phủ đã tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP và trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV (tháng 6/2020). Như vậy, pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có loại hợp đồng BOT, đã được thống nhất, đồng bộ.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng: Mặc dù Chính phủ đã tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT, nhưng đến nay vẫn chưa tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.
Đến nay, toàn bộ các dự án đã được kiểm toán. Tuy nhiên, công tác quyết toán toàn bộ dự án của một số dự án vẫn còn chậm do còn một số vướng mắc liên quan như lãi vay trong thời gian xây dựng chưa tính trong tổng mức đầu tư của dự án BOT, chi phí giải phóng mặt bằng, định mức một số hạng mục...
Đến nay các trạm thu phí đều có chính sách miễn giảm cho người dân xung quanh dự án, nhưng theo báo cáo của Bộ GTVT có 8 trạm thu phí vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập về vị trí đặt trạm, không được sự đồng thuận của người dân khó có thể xử lý dứt điểm. Do đó, Bộ này kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ hoặc thanh toán một số dự án BOT này.
Ủy ban Kinh tế đánh giá: Việc Bộ GTVT đề nghị dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại dự án BOT là không hợp lý.
Ủy ban Kinh tế cho rằng người dân tại khu vực trạm thu phí các dự án này phản đối quyết liệt nên không thể thu phí hoàn vốn cho dự án, trong khi chưa có tiêu chí rõ ràng để có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc xem xét, quyết định mua lại các dự án này.
Ngoài những được xác đinh bất cập chưa được xử lý nhiều năm qua, vẫn còn tồn tại một số dự án có bất cập về vị trí đặt trạm thu phí, nhưng người dân tại địa phương đó lại không còn phản đối sau khi có chính sách miễn, giảm phí.
"Trường hợp Nhà nước mua lại các dự án đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, làm mất an ninh, trật tự, đồng thời gây áp lực cho ngân sách nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay và đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng", Ủy ban Kinh tế lưu ý.
Đa số dự án BOT gặp khó
Về giám sát doanh thu thu phí, Ủy ban Kinh tế cho rằng: Dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để quản lý, giám sát công tác thu phí tại các dự án BOT, song đến nay, hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu nói trên mới chỉ được áp dụng cho 6/66 trạm thu phí (cả nước có 107 trạm thu phí thuộc thẩm quyền trung ương và địa phương).
Về doanh thu thu phí, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đến nay, một số dự án có mức tăng trưởng doanh thu tốt, tuy nhiên đa số không đáp ứng được yêu cầu, doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, các nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.
Năm 2018: Tổng số có 53 dự án, trong đó, dự án có số thu đạt 100% trở lên so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án: 27 dự án; Dự án có số thu thấp hơn so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án: 26 dự án (1 dự án đã dừng thu; 3 dự án đang tạm dừng thu không đánh giá; 3 dự án mới triển khai thu phí, chưa đủ số liệu để đánh giá).
Sau cùng, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết số 437.
Đồng thời, chỉ đạo Bộ GTVT, UBND các tỉnh có dự án BOT phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Kiểm toán nhà nước để kịp thời phê duyệt quyết toán toàn bộ các dự án, đồng thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc các nội dung trong hợp đồng đã ký để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của các bên theo quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư BOT.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)