Ngày 5/3, trả lời VnExpress, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương cho biết Bộ này đã lên phương án về tăng giá điện với "mức tăng trên 8%". Cụ thể, giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3/2019.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, đáng lý giá điện đã phải tăng trong năm 2018 nhưng vì nhiều lý do đã dời lại sang năm nay. Trong 10 năm qua giá điện đã tăng 7 lần, lần tăng mạnh nhất là 15,28% năm 2011, thấp nhất là mức tăng 5% 2012 - 2013.
Lý do để nhà chức trách đề xuất tăng giá lần này là kết quả sản xuất kinh doanh điện của năm 2017. Tại họp báo công bố giá thành sản xuất điện năm 2017 cuối năm 2018, Bộ Công Thương cho biết, doanh thu bán điện năm 2017 của EVN gần 290.000 tỷ đồng, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh điện gần 291.300 tỷ. Sau khi cộng tất cả thu chi của EVN năm 2017, tập đoàn này lỗ khoảng 2.220 tỷ đồng.
Song, kết quả sản xuất kinh doanh điện chỉ là một yếu tố để điều chỉnh giá điện. Yếu tố mấu chốt được nhắc tới là tổng chi phí bị "đội" lên năm 2018 và 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 20.735 tỷ đồng. Bóc tách dữ liệu này trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo giá, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, năm 2018 chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ.
Năm 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng... Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ là 15.252 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng. Giá than bán cho điện tăng 5% từ đầu năm 2019 dự tính cũng làm chi phí sản xuất điện tăng khoảng 5.500 tỷ đồng. Các khoản "đội" thêm này chưa gồm chi phí tăng thêm khi phải nhập khẩu than dùng cho sản xuất điện, mà theo tính toán của EVN nếu áp dụng giá than trộn (than nhập khẩu về pha trộn trong nước) như đề xuất của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, chi phí mua điện năm 2019 sẽ bị đội thêm gần 1.500 tỷ đồng. Trong số này, than trộn mua từ TKV tăng gần 1.063 tỷ, than mua từ Tổng công ty Đông Bắc tăng 435,2 tỷ đồng.
Với các thông số đầu vào nêu trên, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, phương án giá điện "đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau, các phương án được cân nhắc với mục tiêu là đưa vào dần các chi phí còn treo, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô".
Bình luận về dự kiến tăng giá điện, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc tăng giá điện là khó tránh khỏi khi mặt hàng này đã bị kìm giá thời gian dài qua, nhưng lưu ý cơ quan quản lý cần đánh giá tác động đầy đủ việc tăng giá lần này tới các khu vực sản xuất, do điện là nguyên liệu đầu vào chính của tất cả các ngành, lĩnh vực.
Trong khi các chi phí phát sinh đầu vào sản xuất điện khá lớn, nhưng ở lần tăng giá điện lên 8,36% tới đây số này chưa được phân bổ hết vào giá thành, bởi nếu phân bổ hết thì mức tăng có thể sẽ lớn hơn. "Mức độ phân bổ sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện tới chỉ số CPI, GDP, cũng như tới các ngành nghề sản xuất, hộ sinh hoạt", Cục Điều tiết điện lực thông tin.
Trước lo lắng việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, tăng trưởng và các hộ tiêu thụ điện lớn như sản xuất thép, xi măng, tôn... Bộ Công Thương cho biết các phương án điều chỉnh đã được cơ quan này tính toán để đảm bảo tác động là ít nhất. Ước tính, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3 sẽ làm tăng CPI 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15-0,19%.
"Tăng giá điện lần này nhằm lành mạnh hoá thị trường điện khi cơ cấu nguồn điện huy động từ khí, điện than đắt hơn, mức tiêu thụ tăng 10% trong khi các dự án điện ngoài EVN bị chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng, tiêu dùng", ông Vượng nói.
Ông cũng cho biết với mức giá hiện 7,4 cent một kWh và sẽ tăng lên khoảng 8 cent sau điều chỉnh tới đây, thì giá điện Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực, thế giới. Cụ thể, giá điện Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Ấn Độ khoảng 8,1%, thấp hơn Lào trên 18%, Indonesia khoảng 26,5%...
"Giá điện Việt Nam sau tăng giá cũng chỉ ngang bằng với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ", ông Vượng cho hay. Việc giá điện Việt Nam thấp hơn các nước cũng là điểm thiếu hấp dẫn được các nhà đầu tư nhiều lần nêu là nguyên do khiến họ không mặn mà rót vốn đầu tư các dự án ngành này.
Đợt tăng giá điện gần nhất là ngày 1/12/2017 với mức tăng 6,08%, đưa giá bán lẻ điện bình quân lên 1.720,65 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Như vậy giá bán lẻ điện sẽ được điều chỉnh sau hơn một năm kìm hãm.
Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)