Cước vận chuyển tăng gấp đôi
Anh Toàn Đức - chủ một quán cafe tại xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) - chia sẻ, từ khi xăng tăng giá, giá các mặt hàng anh nhập vào đều tăng theo.
“Giá vận chuyển tăng một phần, phần nữa chính giá nguyên liệu mình mua về cũng tăng. Như trước đây, cafe hạt nguyên chất có giá 120.000 đồng/kg, giờ đã 150.000 đồng/kg. Nước đóng chai cũng tăng thêm 10.000 đồng/két, hay một hộp sữa đặc tăng từ 32.000 đồng lên 37.000 đồng/lon. Tất cả đều tăng giá, nghe thông báo mà chỉ 'kêu trời' rồi chấp nhận chứ biết kêu ai bây giờ”, anh Đức nói.
Theo anh Đức, từ 4 năm nay quán của anh chưa tăng giá các mặt hàng, nhưng từ khi xăng tăng giá, anh buộc phải tăng 1.000 đồng trên mỗi ly cafe hoặc mỗi thức uống. Anh Đức thở dài: “Cũng bất đắc dĩ chứ bản thân tôi chưa muốn tăng, nhưng giá nhập vào cao quá, không tăng thì lỗ vốn, chấp nhận lên một ít để tiếp tục kinh doanh thôi”, anh chia sẻ.
Hay chị Nguyễn Thị Hoàng Uyên (32 tuổi, chủ cửa hàng hoa quả tại TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đang đau đầu về giá cước vận chuyển mỗi kiện hàng.
Chị Uyên cho hay, cửa hàng của chị buôn bán hoa quả, đồ sấy khô được nhập từ Đà Lạt và miền Tây. Trước đây, mỗi thùng hàng chị gửi về giá cước vận chuyển từ miền Tây chỉ 100.000 đồng, bây giờ đã lên 200.000 đồng.
“Hàng ở Đà Lạt về, mỗi thùng trước đây tôi trả 50.000 đồng tiền cước vận chuyển. Sau khi giá xăng tăng, tiền cước đã lên đến 100.000 đồng”, chị Uyên kể.
Tiền vận chuyển tăng lên gấp đôi nhưng chị Uyên quyết không tăng giá sản phẩm. Chị giải thích, trước đây mỗi tuần chị nhập hàng hai lần thì nay cố gắng nhập một lần, tăng số lượng để hy vọng đơn vị vận chuyển giảm được ít giá cước.
“Phải tính đường dài chứ bản thân mình đẩy giá lên khách hàng sẽ không mua nữa. Ở đây mình lấy số lượng lớn để bù đắp khoản tiền cước vận chuyển. May mắn của cửa hàng là giá các mặt hàng nhập về vẫn không tăng”, chị Uyên bộc bạch.
Chấp nhận không tăng giá để giữ khách
Phó Giám đốc Công ty taxi Năm Sao Nguyễn Thị Đạt My thông tin, công ty này đang có 15 xe taxi chạy chính chuyến TP. Tam Kỳ - TP. Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với việc giá xăng leo thang đã ảnh hưởng rất lớn.
“Lượng khách đã giảm nhiều so với trước. Từ khi dịch Covid-19 hoành hành đến nay, người dân chủ yếu đi phương tiện cá nhân. Thêm xăng tăng giá, chúng tôi phải cho nằm bến 7 xe, những xe còn lại vẫn chạy để cầm cố. Giá vé chúng tôi không thể tăng, vì nếu tăng sẽ không có khách”, bà My nói.
Theo bà My, giá mỗi chuyến đi là 440.000 đồng, tiền xăng một chuyến ra vào khoảng 350.000 đồng, 100.000 đồng còn lại là của nhân viên chạy, tiền bảo trì, bảo dưỡng. Việc nâng giá cũng khó khăn vì không được vượt ngưỡng giá của doanh nghiệp báo cáo với Bộ Tài chính.
Đại diện công ty TNHH MTV Mai Linh ở TP. Tam Kỳ cho hay, khi xăng chưa tăng giá, chi phí nhiên liệu sẽ tốn khoảng 25%. Khi giá xăng tăng lên ngưỡng trên 30.000 đồng, chi phí này đội lên 30%.
“Số tiền còn lại là tiền công của tài xế, tiền xe, chi phí sửa chữa, vận hành, tiền lãi… Trước đây, xăng tăng thì doanh nghiệp sẽ tăng giá theo. Song, với tình hình thị trường hiện nay, nếu tăng giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của khách hàng. Họ sẽ ít sử dụng sản phẩm của mình”, vị đại diện này nói.
Theo ông, mỗi lần tăng giá vé lại phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước, như Sở Tài chính, Tổng cục Thuế, sau đó phải niêm yết lại tất cả đồng hồ dẫn đến chi phí tốn kém thêm.
Về phương án trước mắt, vị đại diện DN thông tin, hiện công ty áp dụng cách thức để hạn chế việc tài xế chạy rỗng xe, đó là doanh nghiệp giao xe cho tài xế đầy bình xăng đầu ngày, khi tài xe giao xe lại cho doanh nghiệp cuối ngày xăng phải như cũ. “Đây cũng là cách hạn chế được việc tốn nhiên liệu trong quá trình vận hành, tài xế cũng nhận thức được việc tiết kiệm xăng”.
Theo Công Sáng (VietNamNet)