Mức thu nhập của phần lớn côngchức tại TP.HCM, một trong những địa phương có giá cả sinh hoạt cao nhất nước lại thuộc vào nhóm thấp nhất...
Bữa cơm của gia đình bà Lương Diệu Hiền, cán bộ UBND P.Bình Hưng Hòa A (TP.HCM) |
Một thực tế nhức nhối là mức thu nhập của phần lớn công chức tại TP.HCM, một trong những địa phương có giá cả sinh hoạt cao nhất nước lại thuộc vào nhóm thấp nhất và dường như không đủ chi phí bảo đảm đời sống hằng ngày.
Mua sắm phải vay nợ
Khi chúng tôi tìm đến nhà, bà Lương Diệu Hiền (36 tuổi), cán bộ kinh tế - môi trường của UBND P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả nhà. 3 thế hệ gia đình bà Hiền, tổng cộng 11 người đang “chen chúc” trong ngôi nhà rộng chừng vài chục mét vuông của cha mẹ bà. Phía trước nhà được “ưu tiên” mở tiệm tạp hóa nhỏ, phía sau là bếp, và căn phòng nhỏ dành cho vợ chồng người chị. Gác gỗ chật hẹp phía trên là của các thành viên còn lại.
Bữa cơm trưa đạm bạc của cả nhà chỉ có tô canh, đĩa dưa leo xắt mỏng và một ít thịt. Gia đình bà thuộc diện có công với cách mạng khi ông nội của bà là liệt sĩ, bà nội là mẹ VN anh hùng. Cha của bà - ông Lương Văn Nhanh, 70 tuổi - cũng tham gia cách mạng, bị mất bàn chân phải trong một trận càn của địch, đến nay mỗi tháng ông Nhanh chỉ nhận 760.000 đồng hỗ trợ chính sách. Cách đây hơn 10 năm, ông Nhanh mở tiệm tạp hóa nhỏ kiếm tiền trang trải cuộc sống, phụ giúp các con.
Bà Hiền kể, về UBND phường làm việc đến nay được 13 năm 6 tháng. Hiện tại, cộng tất cả mọi khoản, lương bà Hiền gần 4,2 triệu đồng, còn lương của chồng đang làm cộng tác viên Đội quản lý trật tự đô thị Q.Bình Tân là 1,7 triệu đồng/tháng, thu nhập cả vợ chồng bà Hiền gần 6 triệu đồng/tháng, ngoài ra không còn khoản nào khác. Khệ nệ bụng bầu sắp sinh đứa con thứ 2, bà Hiền tâm sự, thu nhập đó không thể đủ trang trải chi phí cho gia đình. Biết là lương thấp, hai vợ chồng tằn tiện chi tiêu lắm nhưng tháng nào cũng “thiếu trước hụt sau”.
“Đó là vợ chồng tôi còn được ba mẹ, anh chị phụ giúp thêm, chứ nếu không còn vất vả nữa. Hơn 13 năm đi làm, đến giờ tôi cũng không để dành được đồng nào. Giờ muốn mua cái gì nhiều tiền như điện thoại hay xe máy, vợ chồng đều phải mua trả góp hay vay tiền các quỹ lãi suất thấp mới đủ tiền mua. Trước đây, cũng có ý định mua nhà thu nhập thấp nhưng tính toán, giả sử 1 tháng trả gốc và lãi 5 triệu đồng cũng không trả nổi, đành thôi”, bà Hiền tâm sự.
Ông Trương Công Dũng (46 tuổi), cán bộ công chức tư pháp UBND P.Bình Hưng Hòa A, cũng cho hay, phường có gần 118.000 dân (thuộc vào phường đông dân nhất TP.HCM) nên khối lượng công việc ở phường gấp 3 - 4 lần so với quy mô phường bình thường. Ông Dũng kể, làm ở phường gần 10 năm nhưng đến nay tổng thu nhập cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Vợ ông Dũng cũng là công chức ở P.Bình Hưng Hòa, mức lương 5 triệu đồng; tổng thu nhập của hai người 10 triệu đồng/tháng cũng không thể đủ chi phí sinh hoạt của gia đình 4 người.
Dù có nhà riêng nhưng ông Dũng thừa nhận “nhà của ông bà cho cháu”, chứ thu nhập chưa đủ sống của vợ chồng ông, nếu tích lũy cũng không biết đến bao giờ mới đủ tiền mua nhà. “Nói thật, chừng này tuổi rồi nhưng đến nay ít nhiều vợ chồng tôi vẫn phải sống nhờ vào ông bà, chứ nếu không thì không biết xoay xở thế nào”, ông Dũng nói.
Lãnh đạo phường cũng “ăn nhờ ở đậu”
Bà Nguyễn Thị Lành, Phó chủ tịch UBND P.2, Q.10, cho hay tổng thu nhập của bà hiện khoảng 7 triệu đồng/tháng, tương đối khá so với mặt bằng chung cán bộ, công chức phường mà PV Thanh Niên khảo sát nhưng bà Lành cho hay, với cuộc sống đắt đỏ như ở TP.HCM thì mức lương đó sống rất vất vả. “May mà ba mẹ tôi có nhà ở Q.10 nên vợ chồng ở đó luôn, ăn uống thì phụ thêm tiền chợ chứ ở riêng với mức lương của tôi rất khó trang trải đủ. Tôi vẫn nghĩ mình may mắn khi có ba mẹ ở TP nên đã hỗ trợ mình phần nào trong điều kiện kinh tế. Bây giờ chưa có con nên vợ chồng đỡ vất vả, chứ không biết sau này có con sẽ như thế nào?”, bà Lành nói.
Điều mà bà Lành cảm thấy tâm tư nhất khi nói về mức lương của những công chức không chuyên trách ở phường. Hiện UBND P.2 có 17 công chức không chuyên trách (phó chủ tịch hội phụ nữ, phó bí thư Đoàn...) trong tổng số 38 công chức, nhân viên của phường, có mức lương trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói, theo quy định, đối với công chức không chuyên trách nếu làm ở một vị trí sẽ không bao giờ được nâng lương.
“Lương không đủ sống cho nên khi nghe tin Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất tăng thu nhập lên gấp đôi cho cán bộ, công chức TP thì anh em ai cũng quan tâm vì chạm đúng nguyện vọng, tâm tư của mọi người bấy lâu nay”, bà Lành bộc bạch.
Trong căn nhà cấp 4 nằm cạnh con kênh tại đường TX 31, P.Thạnh Xuân, Q.12 (TP.HCM) có 5 thành viên của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó chủ tịch UBND P.Thạnh Xuân, Q.12. Tại đây, vợ chồng bà và đứa con 5 tuổi sống nhờ nhà ba mẹ ruột của bà nay đã già. Bà Cúc không giấu được nỗi ưu tư cho biết công tác tại UBND phường 16 năm, trong đó có 9 năm làm phó chủ tịch, nhưng lương của bà mới được hệ số 3.00. Tính cả phụ cấp chức vụ, trừ đi các khoản BHXH, BHYT... bà nhận được đúng 5.179.000 đồng/tháng. Chồng bà cũng là nhân viên nhà nước, mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng.
Nói chuyện với chúng tôi khi bà Cúc đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Bữa cơm của 5 người chỉ có mỗi món cá kho còn lại của tối hôm trước và nồi canh rau. “Lương hai vợ chồng khoảng 8 triệu đồng, tiền học cho con hết 1,2 triệu đồng, và các khoản chi tiêu khác nữa nên phải tằn tiện lắm thì mới đủ chi tiêu cả tháng”, bà Cúc vừa nói vừa dỗ đứa con đang quấy khóc vì bệnh, và nói thêm: "Vừa mới mua thuốc cho con hết mấy trăm ngàn". Hai vợ chồng bà năm nay đã 40 tuổi, mới chỉ có một đứa con gái đang học mẫu giáo.
“Cũng muốn sinh thêm đứa nữa cho con có chị, có em mà sinh rồi lấy gì nuôi!”, bà Cúc nói và cho biết hai vợ chồng cưới nhau đã 6 - 7 năm nhưng vẫn phải ở nhờ nhà ba mẹ vì không có tiền ra riêng.
Còn ông Vũ Ngọc Minh (35 tuổi), Chủ tịch UBND P.8 (Q.Phú Nhuận), cho biết tổng thu nhập của ông khoảng 6,8 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ chi phí trang trải cuộc sống hằng ngày của riêng ông, và cho hay hiện đang ở chung nhà với cha mẹ chứ nếu phải thuê nhà còn vất vả, khó khăn hơn nữa.
“Một tháng nữa tôi lấy vợ cũng làm doanh nghiệp nhà nước lương 5 triệu đồng/tháng. Khi đó không biết sẽ tính toán sao đây. Công chức ở TP phải thật tằn tiện lắm mới đủ sống. Cho nên nghe tin tăng lương gấp đôi, chưa biết có được không nhưng ai cũng mừng”, ông Minh nói.
Bà Nguyễn Thị Lành cho biết thêm, do mức lương quá thấp ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống các gia đình công chức. Hồi còn hoạt động đoàn thể ở quận, bà Lành với chồng không ít lần lục đục vì chồng bảo bà hay lo chuyện bao đồng trong khi cuộc sống của mình chưa ổn định, lương quá thấp không đủ trang trải cuộc sống.
Thấp hơn lương công nhân không có trình độ
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động - Tiền công - Tiền lương, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhận định: Nếu so sánh thì mức lương của cán bộ, công chức còn thấp hơn cả một công nhân không có trình độ. Theo ông Năm, lương khối doanh nghiệp được tính theo mức lương tối thiểu vùng (hiện nay không thấp hơn 3,75 triệu đồng/tháng ở vùng 1 như TP.HCM). Còn lương cán bộ, công chức lại tính theo hệ số và mức lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay 1,3 triệu đồng/tháng). “Công chức có trình độ đại học, hưởng lương bậc 1 (hệ số 2.34), có mức lương là 3,042 triệu đồng, trừ các khoản BHXH, BHYT... thì họ chỉ còn chưa tới 3 triệu đồng/tháng, thấp hơn lương công nhân, đây là một bất hợp lý”, ông Năm nói.
Theo ông Năm, mức lương quá thấp như vậy sẽ không đủ động lực để cán bộ làm việc hết năng suất, họ chỉ làm việc cầm chừng, tương ứng với mức lương mà họ lãnh nhận. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có cán bộ công chức “sáng xách cặp đi, chiều cắp ô về”. “Nhưng cũng khó trách họ được vì nhà nước trả lương cho họ đâu có xứng”, ông Năm nói.
11 người thuộc 3 thế hệ gia đình bà Hiền sống chung trong ngôi nhà rộng vài chục mét vuôngẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Lý giải về vấn đề vì sao lương thấp nhưng vẫn có nhiều người mong muốn vào làm công chức, ông Năm cho rằng do người lao động bao giờ cũng muốn có một công việc ổn định nên vào làm việc ở nhà nước là một lựa chọn. Tuy nhiên, mức lương quá thấp như vậy sẽ dẫn đến trường hợp là họ không chịu nổi và sẽ nghỉ làm khi có một điều kiện tốt hơn, hoặc sẽ dẫn đến tiêu cực khi có cơ hội.
Theo ông Năm, nâng lương cho cán bộ công chức là việc phải làm, nhưng bên cạnh đó, cũng phải tiếp tục cải cách, tinh giản biên chế dư thừa để giảm gánh nặng cho ngân sách khi nâng lương cho cán bộ, công chức.
Hơn 13 năm đi làm, đến giờ tôi cũng không để dành được đồng nào. Giờ muốn mua cái gì nhiều tiền như điện thoại hay xe máy, vợ chồng đều phải mua trả góp hay vay tiền các quỹ lãi suất thấp mới đủ tiền mua Bà Lương Diệu Hiền, cán bộ của UBND P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) |
Lương gần 6,5 triệu mới đủ sống mức tối thiểu ở TP.HCM
Mới đây, một nhóm nghiên cứu thuộc hai tổ chức ISEAL Alliance và SAI công bố kết quả nghiên cứu về tiền lương. Theo kết quả nghiên cứu, để có “mức sống đàng hoàng tối thiểu” tại TP.HCM, một người lao động cần phải được trả mức lương đủ sống là 6,435 triệu (trên cơ sở nhu cầu chi tiêu của một hộ gia đình điển hình với hai người lớn và hai trẻ em). Với mức bình quân mỗi gia đình có 1,78 lao động làm toàn thời gian, thu nhập của cả gia đình hằng tháng sẽ được phân chia theo các mục chính (xem đồ họa). |
Ý kiến Năng suất lao động ở TP.HCM cao hơn bình quân cả nước Chế độ lương mà TP.HCM thực hiện cho cán bộ, công chức hiện nay theo quy định chung trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, do dân số đông nên khối lượng công việc cán bộ, công chức TP.HCM gánh vác rất nhiều, thực tế năng suất lao động ở TP.HCM cao hơn nhiều so với năng suất bình quân cả nước, vì thế nếu nhận mức lương ngang nhau thì thiếu công bằng, không khuyến khích người lao động tiếp tục hăng say với công việc. TP.HCM đã đề xuất nhiều cơ chế đặc thù, có thể được linh hoạt trong việc vận dụng nguồn lực sẵn có để tăng lương cho cán bộ, công chức. Chỉ tiêu Nghị quyết đại hội 10 của TP.HCM đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 9.800 USD/người, trong khi thu nhập cán bộ công chức hiện nay bình quân chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng/người thì còn quá chênh lệch, dẫn đến mức sống của cán bộ, công chức nhà nước không đạt được mức bình quân. Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM Giữ người tâm huyết đã khó, chưa nói đến thu hút người giỏi
Mức thu nhập hiện tại của nguồn nhân lực một số lĩnh vực, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức ở TP.HCM chưa thực sự kích thích sự sáng tạo, năng động. Với mức lương hiện tại, việc giữ người tâm huyết đã khó, chứ chưa nói đến việc thu hút người giỏi vào những lĩnh vực mà TP cần. Lương thấp khiến đội ngũ cán bộ, công chức không yên tâm làm việc mà còn có tư tưởng “chân trong, chân ngoài” ảnh hưởng việc vận hành bộ máy hành chính của TP. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Đ.Phú - T.Hiếu |
Theo Trung Hiếu - Hải Nam (Thanh Niên Online)