Theo đó, báo cáo đánh giá cao về triển vọng kết quả kinh doanh của các ngân hàng như: ACB, VietinBank, HDBank, MBBank, Sacombank.
Trong khi đó, một số ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận âm, bao gồm BIDV, MSB, Techcombank, TPBank, VIB, VPBank.
Sacombank sẽ tạo đột biến?
SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế quý 3 của Sacombank sẽ đạt trong khoảng từ 2.400 – 2.500 tỷ đồng, tăng mạnh 57 – 63% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%.
Ước tính tỷ lệ nợ xấu của Sacombank sẽ vào khoảng 2% vào cuối quý 3.
Ngân hàng VietinBank cũng được đánh giá cao về triển vọng lợi nhuận quý 3 nhờ chi phí dự phòng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý 3 năm ngoái, VietinBank ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao kỷ lục là 8.300 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4.100 tỷ đồng.
Quý 3 năm nay, tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 9 dự kiến sẽ ở mức 9-10% so với đầu năm, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý 3 của VietinBank sẽ đạt 20 – 22% so với cùng kỳ nhờ chi phí dự phòng giảm từ mức cao của cùng kỳ năm ngoái.
“Ông lớn” Vietcombank cũng được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khá dù tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với các ngân hàng khác, chỉ đạt 3,6% so với đầu năm tính đến cuối tháng 9/2023.
Động lực tăng trưởng chính của Vietcombank vẫn đến từ mảng khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng tài sản dự kiến sẽ giảm nhẹ, cùng với sự gia tăng của nợ xấu và nợ Nhóm 2.
Do đó, ước tính lợi nhuận trước thuế quý 3 của Vietcombank sẽ đạt khoảng 9.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ nhưng giảm 4% so với quý trước.
Ngân hàng Quân đội (MB) cũng được đánh giá cao khi ước tính lợi nhuận trước thuế quý 3 có thể đạt khoảng 7.300 – 7.500 tỷ đồng, tăng khoảng 16 – 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của MB là nhờ tăng trưởng tín dụng đạt mức rất cao, khoảng 14% so với đầu năm, tỷ lệ NIM duy trì ổn định và chất lượng tài sản cải thiện nhẹ.
Với Ngân hàng HDBank, ước tính lợi nhuận trước thuế quý 3 sẽ đạt 2.900 – 3.100 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lợi nhuận từ 7 -14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực cho tăng trưởng lợi nhuận của HDBank chủ yếu đến từ khoản lãi từ việc bán cổ phiếu VJC. Đà tăng trưởng huy động của ngân hàng này tiếp tục được duy trì trong 3/2023 với mức tăng trưởng khoảng 50% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng là 11%-12% so với đầu năm.
Trong khi đó, Ngân hàng ACB được dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 đạt 7 – 12% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 4.800 – 5.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng là 8,5% so với đầu năm.
Với kết quả trên, ước tính ACB sẽ đạt 20 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, tăng 17% so với cùng kỳ.
Nhiều “ông lớn” được dự báo kém khả quan
Ở chiều ngược lại, dự báo lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 của BIDV giảm khoảng 10 – 12% so với cùng kỳ năm ngoái do gánh nặng trích lập dự phòng.
Mặc dù vậy, BIDV vẫn đạt tăng trưởng tín dụng và huy động ở mức cao, lần lượt là 8,4% và 7,2% so với đầu năm tại thời điểm cuối tháng 9.
Nợ xấu mới hình thành cũng là điều đáng lo ngại tại BIDV, ngân hàng sẽ phải tích cực xử lý nợ để duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức hợp lý.
Ngân hàng MSB cũng được dự báo kết quả kinh doanh quý 3 kém khả quan với lợi nhuận trước thuế có thể sẽ chỉ đạt 1.300 – 1.400 tỷ đồng, tương đương mức giảm từ 6 -13% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng của MSB dự kiến sẽ ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, từ 15 – 16% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động chỉ đạt khoảng 7%.
Với ngân hàng Techcombank, tỷ lệ NIM gặp áp lực trong quý 3 vừa qua do ngân hàng áp dụng cơ chế “linh hoạt lãi suất với một số khách hàng”.
Trong khi đó, chi phí vốn chưa có nhiều cải thiện khi ngân hàng phải giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống dưới 30% kể từ ngày 1/10/2023. Tỷ lệ này của ngân hàng là 31,6% tại thời điểm cuối tháng 6/2023.
Theo đó, dự báo lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt khoảng 5.700 đến 5.900 tỷ đồng trong quý 3, giảm khoảng 12 – 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng TPBank cũng gặp áp lực về tăng trưởng lợi nhuận khi lợi nhuận trước thuế quý 3 dự kiến đạt khoảng 1.450 – 1.600 tỷ đồng, giảm mạnh khoảng 25 – 32% so với nền lợi nhuận cao của cùng kỳ năm trước.
NIM suy giảm và gánh nặng trích lập dự phòng là một số nguyên nhân khác khiến lợi nhuận trước thuế của TPBank sụt giảm trong quý 3/2023.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt khoảng 7,5% so với đầu năm, tăng trưởng huy động dự kiến là 5% so với đầu năm.
Ngân hàng VPBank cũng được dự báo ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận quý 3 suy giảm so với cùng kỳ. Theo SSI Research, mặc dù ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng khá mạnh, khoảng 18-20% so với đầu năm, nhưng lợi nhuận trước thuế quý 3 dự kiến đạt 3.300 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, so với quý trước, lợi nhuận của VPBank tăng mạnh 38% do hoạt động kinh doanh FeCredit có thể có cải thiện bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 9/2023.
Trong số các ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận giảm, VIB có mức suy giảm nhẹ nhất, chỉ 3% so với cùng kỳ, đạt 2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 3.
Yếu tố tác động đến lợi nhuận của VIB là do gánh nặng chi phí dự phòng rủi ro.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)