Báo cáo tài chính quý I của tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho thấy lợi nhuận của ông lớn ngành bia tiếp tục đà giảm sút.
Cụ thể, dù doanh thu thuần 3 tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.564 tỷ đồng, giá vốn hàng bán của Habeco lại tăng với tốc độ cao hơn là 18%. Điều này khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 13%, xuống còn 334 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi tất cả chi phí, lợi nhuận sau thuế trong quý I của Habeco chỉ còn 64 tỷ đồng, sụt giảm tới 42% so với mức lãi 110 tỷ cùng kỳ năm trước.
Trong văn bản giải trình về việc lợi nhuận quý I giảm mạnh, ban lãnh đạo Habeco thừa nhận một trong những nguyên nhân là sản lượng tiêu thụ của công ty bị sụt giảm so với cùng kỳ 2018.
Năm 2019, Habeco đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế thấp kỷ lục trong một thập kỷ qua, ở mức 310 tỷ đồng. Sau 3 tháng đầu năm, Habeco đã hoàn thành 21% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong thực tế, bức tranh kinh doanh "ảm đạm" của Habeco đã kéo dài một thời gian. 5 năm qua, lợi nhuận sau thuế của Habeco giảm dần đều. Năm 2014, Habeco thu lãi 1.101 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2018, lợi nhuận doanh nghiệp đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 484 tỷ đồng.
Trong báo cáo kết quả hoạt động năm 2018 công bố vào đầu tháng trước, HĐQT Habeco thừa nhận doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như tốc độ tăng trưởng của thị trường bia Việt Nam có xu hướng chậm lại, đạt mức 5%/năm. Riêng thị trường miền Bắc và bắc miền Trung, khu vực tiêu thụ chính của các sản phẩm Habeco, giảm 3% so với năm 2017.
Các sản phẩm của Habeco bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Thị phần của Habeco bị đe dọa trực tiếp bởi Bia Sài Gòn (Sabeco) với sản phẩm Saigon Lager và 333 có tốc độ tăng trưởng 32%. Trong khi đó, Heineken có sản phẩm chủ lực là Tiger đạt tốc độ tăng trưởng 71%.
Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng từ 60% lên 65%, tạo áp lực lên chỉ tiêu lợi nhuận của các đơn vị trong ngành bia. Bên cạnh đó, giá cả nguyên vật liệu sản xuất bia như mạch nha, gạo, hoa houblon, vỏ lon tăng giá khiến giá thành sản xuất tăng, đẩy lợi nhuận giảm.
Năm qua, tất cả chỉ tiêu kinh doanh quan trọng của Habeco gồm sản lượng tiêu thụ bia, doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính, lợi nhuận sau thuế đều không đạt kế hoạch. Trong số này, lãi sau thuế của Habeco chỉ đạt 64% so với mục tiêu đề ra của năm 2018.
Hiện cơ cấu cổ đông của Habeco rất cô đặc, với hai nhóm cổ đông chính chiếm tới hơn 99% vốn chủ sở hữu. Cụ thể, phần vốn góp của nhà nước chiếm 81,8% vốn và đại gia trong ngành bia của Đan Mạnh Carlsberg giữ 17,5% cổ phần.
Theo Việt Đức (Tri Thức Trực Tuyến)