Tuy nhiên theo ông Giang, nếu chính sách thuế không sớm được điều chỉnh, trong thời gian tới nhà máy có thể không bán được hàng và chuyện sản phẩm tồn kho chắc chắn xảy ra.
Cụ thể, theo các hiệp định thương mại tự do đã được VN ký kết với các nước, mức thuế nhập khẩu đối với xăng nhập từ Hàn Quốc và các nước Asean chỉ còn 10%, trong khi các sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn chịu mức thuế 20%. Như vậy, xăng của Dung Quất sẽ cao hơn 4,87 USD/thùng so với xăng nhập từ Hàn Quốc theo đơn giá trung bình tháng 1-2016.
Mặc dù BSR đã giảm giá bán dầu DO thấp hơn 1,3 USD/thùng so với sáu tháng cuối năm 2015 nhưng các khách hàng chỉ đồng ý áp dụng thời hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng đăng ký mua.
Chẳng hạn, Petrolimex đề nghị BSR giảm giá xăng bán bổ sung và giá dài hạn cho sáu tháng cuối năm để bằng với giá xăng nhập khẩu.
Theo ông Giang, điều này đã gây khó khăn rất lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Dung Quất, áp lực lên việc tiêu thụ sản phẩm sẽ là rất lớn.
Theo ông Giang, xăng và dầu diesel hiện chiếm đến 90% sản lượng của nhà máy, với gần 6 triệu tấn, nếu chính sách thuế không có điều chỉnh kịp thời, xăng dầu Dung Quất sẽ khó tiêu thụ thị trường trong nước và các đầu mối có quyền lựa chọn sản phẩm xăng dầu rẻ hơn.
Khi đó, hoạt động của nhà máy có khả năng mất an toàn bởi nếu không bán được sản phẩm, tồn kho tăng, nhà máy buộc phải giảm công suất, thậm chí phải ngừng sản xuất.
Được biết, từ lúc nhà máy cho ra dòng sản phẩm đầu tiên đến nay, tổng sản lượng chế biến của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt trên 37 triệu tấn dầu thô, đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 122.000 tỉ đồng, tổng lợi nhuận đạt trên 4.800 tỉ đồng.
Theo Việt Hùng (Tuổi Trẻ)