Loạt tỷ phú Việt hao hụt tài sản, một người rời khỏi danh sách tỷ phú USD Forbes

15/01/2024 20:10:06

Nhiều tỷ phú Việt chứng kiến tài sản suy giảm trong 2 tuần đầu năm mới 2024 cho dù thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Ông Nguyễn Đăng Quang rời khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes.

Thị trường chứng khoán diễn biến khá tích cực trong 2 tuần đầu năm mới và được kỳ vọng “đầu xuôi đuôi lọt”, khởi đầu tốt cả năm sẽ tươi sáng. Trong 10 ngày đầu năm 2024, chỉ số VN-Index tăng 24 điểm với động lực chính từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Thanh khoản trên toàn thị trường cũng khá cao, tăng lên mức 20.000 tỷ đồng/phiên.

Mặc dù vậy, diễn biến tích cực không đồng đều, phần lớn tập trung ở nhóm ngân hàng, trong khi nhiều cổ phiếu trụ cột khác vẫn chịu áp lực giảm. Ngay trong nhóm ngân hàng cũng chứng kiến sự phân hóa.

Điều này dẫn tới túi tiền của các tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán suy giảm trong 2 tuần qua. Cả 6 tỷ phú USD trong bảng xếp hạng của Forbes đều ghi nhận tài sản giảm khoảng 100 triệu USD mỗi người.

Tính tới ngày 15/1, theo Forbes, tài sản của doanh nhân giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng còn 4,5 tỷ USD, giảm so với mức 4,6 tỷ USD ghi nhận trong phiên đầu năm mới 3/1. Nếu so với hồi tháng 3/2022, tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) đã giảm 1,7 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đăng Quang một lần nữa lại rời khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes. Tính tới 15/1, Forbes không còn ghi nhận ông Nguyễn Đăng Quang trong danh sách các tỷ phú USD trên thế giới.

Trước đó, vào ngày 3/1, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes với tài sản đạt mức 1 tỷ USD.

Loạt tỷ phú Việt hao hụt tài sản, một người rời khỏi danh sách tỷ phú USD Forbes
Biến động tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng theo đánh giá của Bloomberg. (Đơn vị: tỷ USD)

Trong vài năm qua, ông Nguyễn Đăng Quang đã liên tục vào rồi ra khỏi danh sách của Forbes, với khối tài sản biến động trong khoảng từ 1-1,9 tỷ USD. Mức đỉnh cao được Forbes là 1,9 tỷ USD vào hồi tháng 4/2022.

Cổ phiếu Masan (MSN) chịu áp lực giảm vào đầu năm mới. Trong 10 phiên giao dịch đầu năm 2024, MSN ghi nhận 6 phiên giảm giá. MSN hiện ở mức 65.600 đồng/cp, giảm mạnh so với mức trên 100.000 đồng/cp cách đây một năm.

Masan là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong mảng tiêu dùng và bán lẻ, sau khi mua lại chuỗi Vinmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và đổi tên thành Winmart. Doanh nghiệp này có triển vọng tích cực trong dài hạn nhưng đối mặt với khó khăn trong năm 2023 do sức cầu tiêu dùng suy giảm.

Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của Masan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang đang gián tiếp nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu MSN thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương, tương đương gần 45% cổ phần Masan. Ông Quang cũng nắm giữ hơn 9,4 triệu cổ phiếu Techcombank (TCB). 

Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ hơn 42 triệu cổ phần MSN. Ông Quang cũng trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Tầm nhìn Masan…

Loạt tỷ phú Việt hao hụt tài sản, một người rời khỏi danh sách tỷ phú USD Forbes - 1
Nhiều tỷ phú Việt ghi nhận tài sản giảm vào đầu năm mới 2024. (Ảnh: TH)

Cổ phiếu định giá hấp dẫn, chứng khoán có khởi sắc sau Tết?

Bên cạnh ông Vượng và ông Quang, các tỷ phú USD khác cũng ghi nhận tài sản suy giảm.

So với ngày 3/1, tài sản của Chủ tịch hãng hàng không VietJet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 100 triệu USD xuống còn 2,3 tỷ USD vào ngày 15/1. Tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long cũng giảm ở mức tương tự xuống còn 2,2 tỷ USD. Tài sản của gia đình Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (Thaco) giảm 100 triệu USD xuống 1,4 tỷ USD.

Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh ghi nhận tài sản quy từ cổ phiếu TCB vào ngày 15/1 còn 1,3 tỷ USD, so với mức 1,4 tỷ USD hôm 3/1. Ông Hồ Hùng Anh là trường hợp duy nhất ghi nhận tài sản giảm trong khi cổ phiếu tăng. Mã TCB tăng từ mức 32.600 đồng/cp (hôm 3/1) lên 34.300 đồng/cp (hôm 15/1).

Một trường hợp có tài sản biến động đáng chú ý khác là ông Phạm Nhật Vượng. Theo Forbes, tài sản của ông Vượng hôm 15/1 ở mức 4,5 tỷ USD nhưng theo Bloomberg Billionaire Index, tài sản của doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam có tài sản đạt 8,49 tỷ USD, xếp thứ 277 trên thế giới.

Ông Vượng được Bloomberg xếp hạng trở lại trong top 500 tỷ phú USD theo tính toán của đơn vị này từ hôm 3/1 sau khi Bloomberg đã tính tới tài sản của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam được hình thành từ hãng xe VinFast.

Trước đó, Bloomberg trong nhiều tháng qua chưa tính toán tài sản của ông Vượng hình thành từ hãng xe điện VinFast. VinFast niêm yết hơn 2,3 tỷ cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ hồi tháng 8. Cổ phiếu này biến động rất mạnh, từ mức chào sàn khoảng 23 USD/cp lên mức trên 90 USD/cp sau đó giảm mạnh, có lúc về mức 5 USD/cp.

Tính tới cuối năm 2023, trong top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán có 6 doanh nhân trên. Ngoài ra còn có, ông Bùi Thành Nhơn (từng lọt danh sách tỷ phú USD của Forbes), bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long), ông Trương Gia Bình (FPT), ông Nguyễn Văn Đạt (PDR).

 

Loạt tỷ phú Việt hao hụt tài sản, một người rời khỏi danh sách tỷ phú USD Forbes - 2
Biến động tài sản của các tỷ phú Việt theo Forbes. (Biểu đồ: M. Hà)

Trong năm 2023, các doanh nhân Việt gặp nhiều khó khăn khi kinh tế hồi phục chậm. Tổng tài sản của top 10 người giàu nhất giảm nhẹ cho dù thị trường chứng khoán tăng hơn 12%.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)

TAGS