Loạt tiêu chí xếp hạng chung cư, khách hàng tránh mua ‘hớ’ căn hộ tiền tỷ

02/08/2024 15:53:57

Từ 1/8, nhà chung cư được phân làm ba hạng. Hạng 1 là cao nhất phải đáp ứng nhiều tiêu chí trong đó cần có điểm sạc cho xe điện.

Chung cư hạng 1 phải có trụ sạc cho xe điện

Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 95) quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023 trong đó quy định về việc phân hạng chung cư. 

Theo Nghị định, từ 1/8, nhà chung cư được phân làm ba hạng theo thứ tự hạng 1, 2 và 3. 

Chung cư được xếp hạng dựa trên 8 tiêu chí bắt buộc, gồm vị trí, tiện ích, chỗ đỗ xe, sảnh - hành lang, thang máy, cấp điện, căn hộ và nhóm các tiêu chí theo quy chuẩn xây dựng.

Trong đó, chung cư hạng cao nhất (hạng 1) cần đáp ứng thêm điều kiện về khoảng cách đến công viên hoặc khu vui chơi giải trí. Đồng thời, trong khuôn viên chung cư hạng này phải có khu dịch vụ giáo dục hoặc y tế thể thao, thang máy chở hàng riêng...

Riêng về chỗ đỗ xe, cứ hai căn hộ tại dự án hạng 1 cần có tối thiểu chỗ đỗ ôtô (slot) với diện tích tiêu chuẩn 25m2 (tính theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng năm 2021). Chung cư xếp hạng 1 phải có trụ sạc cho xe điện.

Loạt tiêu chí xếp hạng chung cư, khách hàng tránh mua ‘hớ’ căn hộ tiền tỷ
Từ 1/8, nhà chung cư được phân làm ba hạng theo thứ tự hạng 1, 2 và 3. Ảnh: Hồng Khanh

Với hạng 2, cứ 4 căn hộ cần tối thiểu 1 chỗ đỗ (diện tích tiêu chuẩn 25m2). Mức này tương đương quy chuẩn chung từ năm 2021 của Bộ Xây dựng. 

Còn chung cư hạng 3, mỗi 100m2 diện tích sử dụng có một slot để xe.

Cũng theo nghị định, dựa trên điều kiện bắt buộc chung, các tổ chức có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, nhà ở sẽ ban hành các tiêu chí cụ thể và bổ sung (nếu có) để xác định, phân hạng với từng nhà chung cư.

Nghị định cũng nêu rõ: Việc công bố thông tin, quảng cáo liên quan đến hạng nhà chung cư khi kinh doanh căn hộ phải đúng với nội dung đã được phân hạng.

Tự phong chung cư cao cấp, hạng sang

Theo quy định trước đó, chung cư được phân hạng cao nhất từ A rồi tới B, C dựa trên 4 nhóm tiêu chí gồm quy hoạch - kiến trúc; hệ thống, thiết bị kỹ thuật; dịch vụ, hạ tầng xã hội và chất lượng, quản lý, vận hành. Trong đó, chung cư hạng A phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, trên thị trường phần lớn phân hạng chung cư theo giá bán. Chẳng hạn, chung cư cao cấp (hay hạng A) từ 60 đến 100 triệu đồng/m2, trung cấp (hay hạng B) 45-60 triệu đồng/m2, còn căn hộ bình dân (hạng C) 20-30 triệu đồng/m2. Thời gian qua, với đà tăng giá mạnh của chung cư, căn hộ hạng C đã “biến mất” tại các thành phố lớn.

Năm ngoái, nêu tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, Ủy ban Pháp luật cho biết, các địa phương thuộc phạm vi giám sát đều không có chung cư nào thực hiện phân hạng và được công nhận hạng.

Tính đến ngày 30/11/2022, cả nước mới có 7 nhà chung cư được phân hạng ở ba tỉnh Thái Nguyên (3), Hà Tĩnh (3) và An Giang (1), còn lại đều không thực hiện phân hạng hoặc được công nhận phân hạng theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

Trong khi đó, theo Ủy ban Pháp luật, nhiều chủ đầu tư không thực hiện phân hạng theo quy định mà "tự phong hạng" cho dự án bằng những tên gọi gây nhầm lẫn cho khách hàng như chung cư cao cấp, chung cư hạng sang, chung cư với tên gọi tiếng nước ngoài.

Thực tế, việc quảng cáo thăng hoa, nhận nhà vỡ mộng không phải là chuyện hiếm trên thị trường bất động sản. Thực tế, tại nhiều dự án chung cư được quảng cáo cao cấp đã xảy ra những tranh chấp khách hàng “tố” việc bán hàng không như quảng cáo.

Hồi tháng 6, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị cần quy có quy định bắt buộc chủ đầu tư đăng ký xếp hạng chung cư theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và công bố trước khi họ huy động vốn, mở bán. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, đề xuất này nhằm hạn chế tình trạng nhiều dự án chung cư gắn mác "cao cấp", "siêu sang" để huy động vốn, bán căn hộ.

Theo Hồng Khanh (VietNamNet)

 

Nổi bật